Sự sụt giảm giá trị của đồng tiền này được cho là do ảnh hưởng từ triển vọng ảm đảm bao trùm nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và khả năng Nga sẽ ngừng cấp khí đốt cho khu vực này.
Một đồng euro bị giảm xuống mức tương đương 0,9998 USD sau khi các dữ liệu kinh tế mới phản ánh lạm phát tiếp tục tăng tại Mỹ vào tháng 6.
Ngày 13/7, Bộ Lao động Mỹ công bố bản báo cáo mới cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI của nước này tăng 1,3% trong tháng 6 sau khi tăng 1% trong tháng 5 trong bối cảnh giá xăng và thực phẩm tiếp tục tăng.
Mức tăng lạm phát thường niên của Mỹ ghi nhận vào tháng 6 cũng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm qua, càng khiến các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản cuối tháng này.
Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 6, CPI Mỹ tăng 9,1%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/1981.
Giá tiêu dùng tăng do chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn và ảnh hưởng của các gói kích thích tài khóa quy mô lớn mà Chính phủ Mỹ triển khai từ khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát.
Cuộc xung đột tại Ukraine cũng khiến giá thực phẩm và nhiên liệu tăng, càng làm tình hình xấu đi.
Trong tháng 6, giá xăng Mỹ tăng lên các mức cao kỷ lục, trung bình là hơn 5 USD/gallon (khoảng 3,78 lít).
Tuy nhiên, các dữ liệu về việc làm tại Mỹ trong tháng 6 phản ánh mức tăng trưởng việc làm cao hơn kỳ vọng khi nền kinh tế tạo thêm 372.000 việc làm mới.
Nếu không tính thực phẩm và năng lượng, CPI lõi của Mỹ trong tháng 6 tăng 0,7%, cao hơn mức 0,6% trong tháng 5.
Trong 12 tháng tính đến tháng 6, CPI lõi của Mỹ tăng 5,9%, thấp hơn mức tăng 6% ghi nhận hồi tháng 5.
Lạm phát và lãi suất cùng tăng khiến nhiều người lo ngại kinh tế Mỹ sẽ bước vào suy thoái trong đầu năm tới.