Vào ngày 3/6, Số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia cho biết giá cả tiêu dùng ở Hàn Quốc đã tăng 5,4% trong tháng Năm so với cùng kỳ 2021 và là tháng thứ 2 tăng liên tiếp sau khi tăng 4,8% trong tháng trước.
5,4% là mực tăng mạnh nhất theo năm kể từ tháng 8/2008, khi giá cả tiêu dùng ở Hàn Quốc tăng 5,6%, điều này đồng thời đánh dấu lần đầu tiên lạm phát ở Hàn Quốc vượt mức 5% kể từ khi tăng 5,1% vào tháng 9/2008,
Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và dầu, đã tăng 3,4% so với tháng trước, mức cao nhất kể từ tháng 2/2009.
Như vậy, đây là tháng thứ 14 liên tiếp, mức lạm phát ở Hàn Quốc đã vượt trên mục tiêu duy trì ở 2% do Ngân hàng Trung Ương đề ra trong trung hạn.
Chỉ số tăng mạnh với mức cao nhất trong vòng 14 năm đã ảnh hưởng đến đời sống người dân và nền kinh tế nước này.
Nguyên nhân lạm phát tăng mạnh được cho là do chi phí năng lượng và lương thực tăng cao vì nguồn cung hạn chế từ ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine và nhu cầu trong nước tăng khi kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Đất nước này đang phải đối mặt với áp lực lạm phát tăng mạnh và dự báo xu hướng vẫn đang tiếp tục.
Với tình hình trước mắt, chính phủ vừa qua đã ban hành các biện pháp để bình ổn giá cả tiêu dùng, giảm thiểu các tác động đến đời sống của người dân và nền kinh tế.
Cụ thể hơn, Chính phủ Hàn Quốc đã giảm thuế xuống 0% đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu nhập khẩu, như thịt lợn, dầu ăn, bột mì, cà phê hạt. Biện pháp này của chính phủ dự kiến sẽ kéo giá thịt lợn nhập khẩu giảm tối đa 20%.
Ngoài ra, chính phủ cũng quyết định miễn thuế giá trị gia tăng với các mặt hàng thực phẩm sơ chế, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô, duy trì biểu thuế bất động sản tương đương với mức năm 2020 để hỗ trợ người dân.