Lạm phát năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát

Vân Anh | 00:46 05/01/2022

Áp lực tăng cao của lạm phát trong năm 2022 là có thực, nhưng không quá lo ngại, dự báo vẫn trong tầm kiểm soát theo mục tiêu của Chính phủ, CPI sẽ ở mức 2-3,7%, thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%.

Lạm phát năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát
Dự báo CPI bình quân của Việt Nam năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5%.

Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022 do Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính tổ chức ngày 4/1/2022.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, cùng với đó là chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc, làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường quốc tế khó tăng, do đó áp lực lạm phát năm 2022 sẽ không quá cao.

Dự báo CPI bình quân của Việt Nam năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5% (+/- 0,5%) tức là từ 2% đến 3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra, là hoàn toàn khả thi.

TS. Nguyễn Đức Độ - Học viện Tài chính cũng cho rằng CPI năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Nếu GDP trong năm 2022 chỉ tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đặt ra, hay thậm chí tăng 8-9% như một số dự báo, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của giai đoạn 2020-2022 chỉ ở mức 4-5%, thấp hơn khá nhiều so với mức 6% của giai đoạn 2011-2020.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì cho rằng, lạm phát năm 2021 ở Việt Nam có yếu tố liên quan đến nhập khẩu lạm phát, thậm chí có thể được chuyển sang năm 2022.

Lạm phát năm 2021 cũng không phải là lạm phát tiền tệ do chính sách lãi suất, chính sách tỉ giá hối đoái và chính sách tín dụng vì cung tiền vẫn được kiểm soát. Lạm phát cơ cấu, lĩnh vực cá biệt có dấu hiệu xuất hiện và sẽ tác động tới lạm phát năm 2022 khi CPI năm 2021 tăng thấp, song giá tài sản như chứng khoán, vàng và bất động sản lại tăng cao.

Bên cạnh đó, lạm phát tâm lý đã xuất hiện từ cuối năm 2021 rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4% nhất là khi tổng cầu tiêu dùng phục hồi kéo CPI đi lên

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, việc kiểm soát lạm phát năm 2022 vẫn gặp nhiều khó khăn và không dễ dàng, CPI có thể tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm do kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng.

Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính phân tích, tăng trưởng kinh tế quý 4 năm 2021 sau khi mở cửa trở lại đã đạt mức 5,22% dù nhiều chuỗi cung ứng chưa hồi phục và nhiều ngành nghề dịch vụ vẫn chưa hoạt động trở lại.

Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng lạm phát do tâm lý.

Góp ý cho việc điều hành giá cả thị trường năm 2022, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Đại diện Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, việc tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt sẽ tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lạm phát năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO