Cụ thể, CPI lõi tháng 9 (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 6,6% so với 1 năm trước, cao nhất kể từ năm 1982. So với tháng trước, CPI lõi tăng 0,6%. CPI cơ bản tăng 0,4% so với tháng trước và cao hơn 8,2% so với năm 2021. Theo cuộc khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán mức tăng 0,4% với CPI lõi và 0,2% đối với CPI cơ bản.
Giá cả tiếp tục tăng trên quy mô lớn, với chi phí nhà ở, thực phẩm và y tế đóng góp nhiều nhất vào đà leo thang này. Giá xăng và ô tô đã qua sử dụng đều giảm. Chi phí nhà ở tăng 0,7% trong 2 tháng liên tiếp. Cả giá nhà thuê và nhà để ở đều tăng 6,7% so vơi năm trước - mức cao nhất từng ghi nhận.
Giá thực phẩm tiếp tục tăng trong tháng vừa qua với 0,8%, tương đương với tháng 8 và cao hơn 11,2% so với 1 năm trước. Giá năng lượng giảm, khi giá xăng giảm 4,9%. Nhưng trong tháng 10, giá xăng lại cao hơn gần 20 cent so với 1 tháng trước.
Dịch vụ vận tải cũng tăng mạnh với 1,9% so với tháng trước và tăng 14,6% so với năm 2021. Chi phí y tế tăng 1% trong tháng 9.
Các loại chi phí gia tăng cũng mang lại tin xấu đối với người lao động. Họ là những người có thu nhập trung bình theo giờ giảm 0,1% vào tháng trước và thấp hơn 3% so với 1 năm trước, theo một báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ.
Lạm phát tiếp tục leo thang cùng số liệu việc làm tăng lên vào tuần trước, Bloomberg dự đoán nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 11 và càng thúc đẩy dự đoán về động thái tương tự trong tháng 12. Nhà đầu tư cũng cho rằng lãi suất chuẩn sẽ đạt đỉnh vào năm sau.
Số liệu CPI tháng 9 nhấn mạnh quy mô lạm phát vẫn lan rộng ra toàn nền kinh tế Mỹ, ảnh hưởng đến tiền lương của người dân và buộc nhiều người phải sử dụng tiền tiết kiệm, thẻ tín dụng nhiều hơn. Dù tăng trưởng tiêu dùng vẫn được dự báo là khả quan trong những tháng tới, nhưng diễn biến này cho thấy Fed vẫn chưa đạt được mục tiêu lạm phát.
Để kiềm chế lạm phát, các nhà hoạch định chính sách đã phản ứng bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ chưa từng có kể từ những năm 1980. Nhưng cho đến nay, thị trường lao động và nhu cầu của người tiêu dùng vẫn hồi phục. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ thấp nhất trong 5 thập kỷ vào tháng 9 và các doanh nghiệp tiếp tục tăng lương để thu hút, giữ chân nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình.
Ngoài ra, bất ổn địa chính trị cũng góp phần làm lạm phát leo thang. Gần đây, OPEC+ đã công bố cắt giảm sản lượng dầu và việc chính quyền Tổng thống Joe Biden áp lệnh cấm xuất khẩu xăng có thể phản tác dụng khi giá xăng tăng cao hơn.
Mâu thuẫn Nga - Ukraine tiếp tục gây gián đoạn nguồn cung đối với các loại hàng hoá như lúa mì. Trong khi đó, Nhà Trắng cũng đang xem xét áp đặt lệnh cấm với nhôm của Nga.
Tham khảo CNBC; Bloomberg