Con đường hạ nhiệt lạm phát của Fed đã chậm lại trong tháng 9. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy lộ trình dập tắt hoàn toàn áp lực giá cả vẫn còn gập ghềnh.
Tin tốt ở đây là giá cả đã tăng chậm lại so với mức cao nhất 40 năm được ghi nhận vào năm 2022. Nhất là khi nhìn vào thước đo lạm phát cơ bản, hay còn gọi là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) “lõi” - chỉ số loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động.
Nhưng tin xấu ở đây là sau khi lạm phát giảm mạnh vào đầu mùa hè, giá cả lại tăng trở lại trong tháng 9. Ngày 12/10, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,7% so với năm trước. CPI cơ bản tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu lạm phát mới nhất nêu bật nguy cơ rằng nếu nền kinh tế không giảm tốc, lạm phát có thể sẽ duy trì ở ngưỡng 3%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức báo động năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương Mỹ là 2%.
Trong những ngày gần đây, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát tín hiệu rằng họ có khả năng sẽ giữ lãi suất ngắn hạn ổn định trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 31/10 và 1/11. Vì lãi suất dài hạn tăng trong tháng qua có thể khiến nền kinh tế chậm lại. Trên thực tế, nếu chi phí đi vay tiếp tục duy trì thì điều đó có thể thay thế cho việc tăng lãi suất.
Liệu FED có thể giành chiến thắng?
Trước những bằng chứng cho thấy áp lực giá cả và hoạt động kinh tế đang hạ nhiệt, các quan chức có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi giữ lãi suất ổn định. Kết quả là họ có thể đưa ra tín hiệu tạm ngừng tăng lãi suất vô thời hạn hoặc không tăng lãi suất trong tháng 12.
Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh sau quyết định giữ lãi suất ổn định vào tháng 9, các quan chức sẽ đưa ra chính sách tiền tệ dựa trên dữ liệu mới. Mặc dù FED có thước đo riêng, nhưng báo cáo CPI cũng vẫn được chú ý vì được công bố trước. Các quan chức sẽ nhận dữ liệu bổ sung về lương của người lao động, cùng với thước đo lạm phát ưa thích của họ từ Bộ Thương mại trước cuộc họp sắp tới.
Lara Rhame, nhà kinh tế trưởng người Mỹ tại FS Investments, cho biết: “FED có thể chắc chắn rằng lạm phát đã hạ nhiệt. Nhưng họ chắc chắn không thể giành chiến thắng”.
Các quan chức FED muốn thấy CPI lõi phải giảm sâu hơn nữa, đặc biệt là dịch vụ, lĩnh vực vốn có xu hướng gắn liền với tiền lương hơn là giá hàng hóa.
Một yếu tố tiếp tục gây áp lực lên lạm phát
Nhiều người Mỹ không mấy an tâm trước tình trạng lạm phát giảm tốc. Vì mọi sinh hoạt phí từ mua ô tô đến những bữa ăn tại nhà hàng đã tăng mạnh.
Các dịch vụ sử dụng nhiều lao động tăng phí làm dấy lên lo ngại rằng thị trường lao động mạnh mẽ sẽ khiến lạm phát duy trì ở mức cao hơn. Đây là tháng thứ hai liên tiếp giá cả tại các nhà hàng tăng. Mức giá lưu trú tại khách sạn cũng như vé vào các giải đấu thể thao cũng ghi nhận mức tăng lớn.
Nhà sản xuất Columbia Machine Works ở Tennessee, đã tăng mạnh tiền lương trong hai năm qua để giữ và thu hút nhân viên lành nghề chế tạo, sửa chữa máy móc công nghiệp.
Phó chủ tịch công ty Jake Langsdon, 28 tuổi, cho biết tiền lương lại là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến giá cả của công ty gần trăm năm tuổi này, hơn cả hóa đơn điện nước.
Ông nói về tình thế tiến thoái lưỡng nan của công ty: “Khi buộc phải tăng giá, liệu tôi đã tính đủ chi phí hay đang tính thừa? Bạn không thể chuyển 100% chi phí lạm phát vào sản phẩm. Khách hàng sẽ phản đối bạn. Bạn sẽ phải chấp nhận chịu một phần trong đó”.
Ông nói thêm rằng hiện có rất nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương hấp dẫn để cạnh tranh nguồn lao động hạn hẹp.
Với tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% và tỷ lệ sa thải tăng không đáng kể, người lao động vẫn còn cơ hội việc làm mà họ có được trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch. Các cuộc đình công của công nhân ngành sản xuất ô tô và chăm sóc y tế có thể đẩy lương của toàn bộ công nhân trong nền kinh tế tăng lên.
Carl Tannenbaum, nhà kinh tế trưởng tại Northern Trust, cho biết: “Điều đó có thể gây áp lực lên giá các dịch vụ cơ bản, một trong những điều cuối cùng vẫn chưa diễn biến tốt như chúng tôi mong muốn”.
Cách tiếp cận của FED
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, giá xăng tăng nhẹ trong tháng 9 và giảm trong những tuần gần đây. Giá có thể tăng trở lại khi xung đột ở Trung Đông khiến giá dầu tăng cao vào đầu tuần.
FED không đặt mối ưu tiên là giá hàng hóa, vốn ít nhạy cảm với lãi suất. Nhưng giá xăng tăng có thể làm giảm niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng đến chi phí của các sản phẩm khác như vé máy bay và vận chuyển.
FED đã tăng lãi suất ngắn hạn, từ đó làm chậm nền kinh tế để kiềm chế lạm phát. Quá trình đó cũng nhằm mục đích thúc đẩy lợi suất trái phiếu dài hạn tăng cao hơn, từ đó chi phí vay mua nhà, mua xe và các giao dịch giá trị lớn sẽ tăng.
Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết các quan chức FED đang trong tâm thế chờ và theo dõi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Tham khảo WSJ