Khảo sát của Cimigo - công ty có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu thị trường khu vực châu Á Thái Bình Dương trong năm 2022 cho thấy, nhiều sản phẩm vay vốn từ ngân hàng có tỷ lệ người tiếp cận chưa có nhiều khác biệt, thậm chí có phần thấp hơn so với nhiều sản phẩm tín dụng phi ngân hàng.
Cụ thể, có 7% người tiêu dùng cho biết đã từng vay tiêu dùng (không có tài sản đảm bảo); vay vốn kinh doanh (7%); mua nhà (5%); vay tiêu dùng (có tài sản bảo đảm) 4%; vay mua xe 3%. Trong khi ở chiều ngược lại, 7% người cho biết đã từng đi vay người thân, 6% từng vay tiền mặt ngoài ngân hàng; vay nóng (3%); cầm đồ (2%).
Về vấn đề này, ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành, công ty tư vấn tài chính và quản lý gia sản FIDT cho biết, trên thực tế điều kiện vay vốn ở ngân hàng thường rất rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yêu cầu đòi hỏi các cá nhân hoặc hộ kinh doanh phải chuẩn bị từ trước để có thể tiếp cận nguồn vốn từ các nhà băng.
Cụ thể, tại ngân hàng thường có 2 hình thức cho vay là tín chấp và thế chấp.
Đối với cho vay tín chấp, thường người đi vay sẽ được yêu cầu chuẩn bị hồ sơ gồm, sao kê tài khoản có thu nhập từ lương trong 6 tháng gần nhất và hợp đồng lao động còn hiệu lực.
“Mức lương và thời hạn của hợp đồng lao động sẽ quyết định rất lớn đến hạn mức tín dụng khách hàng có thể được cấp. Bên cạnh đó, người lao động được trả lương qua chuyển khoản sẽ có khả năng tiếp cận vốn cao hơn. Ngoài ra, hiện một số ngân hàng có tài khoản nhận lương. Sản phẩm này không những có chi phí giao dịch rẻ hơn so với tài khoản thanh toán thông thường, mà còn giúp tiết kiệm thời gian chứng minh thu nhập khi khách hàng có ý định vay ở chính nhà băng này. Do đó, người tiêu dùng có thể cân nhắc phương án sử dụng loại sản phẩm này nếu có ý định nhận lương bằng chuyển khoản”, ông Huấn chia sẻ.
Khi đáp ứng đủ các điều kiện, khách hàng thường sẽ được cấp hạn mức tín dụng từ 5-10 tháng lương. Với một số hồ sơ tốt, con số có thể này có thể lên đến 15 tháng lương. Nếu khai thác hiệu quả, gói tín dụng này không chỉ đóng vai trò như một khoản vay tiêu dùng, mà còn là một khoản dự phòng rủi ro, hay công cụ để củng cố hồ sơ tín dụng cho những lần vay vốn sau.
“Mặc dù có nhiều lợi ích, song người tiêu dùng cần lưu ý rằng sản phẩm này là một khoản vay. Do đó, khách hàng vẫn phải hoàn thành các nghĩa vụ gốc và lãi như mọi khoản tín dụng khác. Mặt khác, vay tín chấp thường sẽ có lãi suất cao hơn so với vay thế chấp. Ngoài ra, cần phải lưu ý là tuy tiếp cận và sử dụng các khoản vay này từ sớm có thể sẽ giúp người tiêu dùng củng cố điểm tín dụng, nhưng nếu dùng quá nhiều với tần suất dày đặc, người đi vay có thể bị đánh giá là không biết quản lý tài chính. Từ đó, khả năng vay vốn ở các lần sau có thể sẽ bị hạn chế hơn. Trên cơ sở đó, tôi khuyến nghị, người tiêu dùng nên vay tín chấp một cách có kiểm soát; tiêu dùng nên cân nhắc năng lực tạo thu nhập phù hợp”, ông Huấn chia sẻ.
Đối với các sản phẩm vay thế chấp, thường sẽ có 3 yếu tố quyết định khả năng vay thành công của khách hàng đó là: 1) chất lượng tài sản đảm bảo, 2) khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng và 3) quan điểm tín dụng, khẩu vị rủi ro của ngân hàng.
Về chất lượng tài sản, phần lớn tài sản thế chấp sẽ là bất động sản. Trong đó, các địa ốc thuộc khu vực dân sinh hiện hữu hoặc căn hộ sẽ được ưu ái hơn về khả năng phê duyệt và cấp hạn mức cho vay so với phân khúc đất nền hoặc đất nông nghiệp.
“Các loại bất động sản có quy hoạch để trồng lúa nước, cây lâu năm, cây thường niên,... không có đường kết nối; hay các loại nhà đất gần khu vực có yếu tố tâm linh sẽ ít được các ngân hàng nhận thế chấp và giải ngân”, ông Ngô Thành Huấn chia sẻ.
Về khả năng hoàn trả nợ vay, thông thường ngân hàng sẽ chỉ xem xét các nguồn thu có tính xác thực cao và minh bạch như lương qua chuyển khoản; dòng tiền có thể xác minh từ hoạt động cho thuê nhà, từ công việc kinh doanh… Vì vấn đề này, khách hàng là lao động tự do, chủ yếu nhận thu nhập bằng tiền mặt sẽ có khả năng tiếp cận vốn thấp hơn so với những cá nhân có những dòng tiền tường minh.
“Quan điểm tín dụng là yếu tố có thể ảnh hưởng rất nhiều đến hạn mức, thời hạn, cũng như khả năng vay thành công của khách hàng. Yếu tố này có thể thay đổi theo thời gian và tùy thuộc vào tổ chức tín dụng. Ví dụ, hiện nay khi thị trường bất động sản đang trong giai đoạn đóng băng và mất hút thanh khoản, việc tiếp cận được các khoản vay với mục đích đầu tư và kinh doanh nhà đất sẽ rất khó, trong khi thời gian trước lại không có nhiều rào cản. Ngay cả trong việc mua bất động sản để ở, một số nhà băng hiện tại còn yêu cầu khách hàng phải là người cư trú tại địa phương mới được cân nhắc xét duyệt. Hay như khách hàng có CIC trắng (chưa từng đi vay) sẽ chỉ được xem xét cấp hạn mức tín dụng thấp và có thể phải chịu lãi suất cao hơn so với khách hàng có lịch sử tín dụng ở mức tốt. Một số ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam còn chỉ cấp tín dụng cho khách hàng ở các tỉnh thành mà những nhà băng này có điểm giao dịch…”, ông Huấn nói.
Cũng theo ông Ngô Thành Huấn, nếu có ý định đi vay để mua bất động sản trong giai đoạn hiện tại, người đi vay cần cân nhắc một số yếu tố sau: 1) chỉ nên vay cho các mục đích nhà ở tại các khu vực dân sinh hiện hữu vì đây là phân khúc ít bị tác động trong lúc thị trường khó như hiện tại và sẽ phục hồi trước khi thị trường ấm lên; 2) nên chọn các Ngân hàng lớn có lãi suất tốt; cuối cùng nên vay dài hạn trên 20 năm để giảm áp lực rủi ro trong giai đoạn hiện tại, về lâu dài khách hàng có thể tất toán trước hạn nếu tình hình khá hơn và muốn đầu tư một khoản khác.