Mới đây, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Công ty cổ phần Morigana Nutritional Foods Việt Nam.
Công ty Cổ phần Morigana Nutritional Foods Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Morigana Milk Industry (Nhật Bản). Công ty hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm dinh dưỡng với trên 100 năm kinh nghiệm sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa.
Trong quá trình khảo sát vùng nguyên liệu tại tỉnh Thái Nguyên, công ty đã nghiên cứu sản phẩm nước uống matcha. Sản phẩm này tận dụng thế mạnh về trà của Thái Nguyên.
Vì vậy, công ty mong muốn hợp tác với Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công. Mục tiêu là sản xuất trà matcha mang thương hiệu và chất lượng Nhật Bản nhưng có giá thành Việt Nam. Đồng thời, công ty cũng đề xuất làm đầu mối kết nối tỉnh Thái Nguyên với một địa phương nổi tiếng về trà của Nhật Bản. Qua đó, thúc đẩy liên kết và giao thương trong thời gian tới.
Thái Nguyên hiện có nhiều lợi thế như vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao và môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng. Với trên 22.000 ha chè, lớn nhất cả nước, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển chè hữu cơ, là điều kiện lý tưởng để phát triển sản phẩm chè, đặc biệt là matcha.
Trước đề xuất của doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa cho Công ty trong công bố sản phẩm y tế, các thủ tục xuất, nhập khẩu cũng như thủ tục hành chính, đầu tư, trên cơ sở quy định của pháp luật.

Là vùng đất được mệnh danh "đệ nhất danh trà", chè Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu và bí quyết gia truyền được người dân nơi đây giữ gìn qua thời gian để làm ra những búp chè móc câu có chất lượng thơm ngon đặc biệt…
Chè Thái Nguyên được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa thích bởi hương vị trà xanh "ngọt hậu", khi mới uống có vị chát nơi đầu lưỡi, sau đó có dư vị ngọt ngào làm ấm lòng người thưởng thức.
Trong Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên được xác định trở thành trung tâm chế biến chè của cả nước.

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, hiện, tỉnh đã phát triển được vùng nguyên liệu sản xuất với quy mô gần 22.500ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 267.500 tấn/năm. Giá trị sản phẩm trà đạt 12.300 tỷ đồng.
Bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng mới, trồng lại trên 500ha chè, nâng tổng diện tích chè giống mới đến nay đạt 18.376ha, chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 5.148ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (trong đó chứng nhận VietGAP là 5.068ha, hữu cơ là 80ha), chiếm gần 23% diện tích chè toàn tỉnh.
Toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp, 163 hợp tác xã (HTX), 251 làng nghề truyền thống, với trên 91.000 hộ chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao.
Trong kế hoạch phát triển ngành chè giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu nâng diện tích chè toàn tỉnh 24.500 ha. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 300.000 tấn. 70% diện tích chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. 70% diện tích chè được cấp mã số vùng trồng.
100% số cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh chè và các sản phẩm từ chè đảm bảo quy định an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh có 250 sản phẩm trà được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao... Tổng giá trị sản phẩm thu được từ cây chè đến năm 2030 đạt 25.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và thương mại ( Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm 2025, lượng chè xuất khẩu của Việt Nam đạt 57.900 tấn, trị giá 97 triệu USD. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.674 USD/tấn.