Lãi suất điều hành lần đầu tăng sau 11 năm: Thấy gì từ cú “bẻ lái” lịch sử của Ngân hàng Nhà nước?

Bài: Quang Hưng - Thiết kế: Hải An | 14:40 30/09/2022

Sau 9 tháng xoay xở bằng nhiều nguồn lực để giữ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cuối cùng đã buông “thành trì” lãi suất trước áp lực ngày càng tăng từ FED.

av.jpg

Từ ngày 23/9, NHNN đã tăng các loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng thêm 1 điểm % – đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý tiền tệ nâng lãi suất điều hành kể từ tháng 5/2011. Mức điều chỉnh 1 điểm % cao hơn nhiều dự báo của thị trường và tương đối lớn so với các quyết định trước đó thể hiện sự quyết liệt và mang tính phòng thủ cao của nhà điều hành.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất điều hành của NHNN đã trở về bằng thời điểm đại dịch mới diễn ra là tháng 3/2020 và thấp hơn 0,5 điểm % so với thời điểm trước Covid (ngoại trừ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng).

Lãi suất điều hành lần đầu tăng sau 11 năm: Thấy gì từ cú “bẻ lái” lịch sử của Ngân hàng Nhà nước? - Ảnh 1.

 

Lãi suất điều hành lần đầu tăng sau 11 năm: Thấy gì từ cú “bẻ lái” lịch sử của Ngân hàng Nhà nước? - Ảnh 2.

 

Ngay sau khi quyết định tăng lãi suất của NHNN có hiệu lực, lãi suất huy động đã bật tăng mạnh, nhiều kỳ hạn dưới 6 tháng được các ngân hàng niêm yết ở mức tối đa cho phép. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế vốn đã tăng khá mạnh từ trước đó.

Theo số liệu của Chứng khoán Vietcombank, trước khi lãi suất điều hành được nâng lên, lãi suất huy động trung bình đã tăng 0,9 – 1,1 điểm % so với giai đoạn dịch bệnh. Trong khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm vào đầu tháng 9 đã chạm ngưỡng 6,88% - mức cao nhất trong vòng 10 năm.

Diễn biến trên cho thấy, kể cả khi NHNN chưa tăng lãi suất, nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng đã có sự thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch bệnh. Xu hướng này là hệ quả tất yếu khi nhà điều hành không thể duy trì dòng tiền quá dồi dào cho các nhà băng trong bối cảnh sức ép mất giá của tiền Đồng ngày càng tăng sau các động thái chính sách của FED.

Lãi suất điều hành lần đầu tăng sau 11 năm: Thấy gì từ cú “bẻ lái” lịch sử của Ngân hàng Nhà nước? - Ảnh 3.

 

Theo dữ liệu của Wichart (Platform truy xuất và trực quan hóa dữ liệu tài chính thuộc WiGroup), trong hầu hết thời gian kể từ giữa tháng 6 đến nay, NHNN luôn duy trì trạng thái hút ròng trên kênh thị trường mở và tín phiếu, có thời điểm lượng tín phiếu – OMO lưu hành lên tới hơn 189.000 tỷ đồng. Riêng trong 9 phiên giao dịch trước khi tăng lãi suất điều hành, cơ quan này đã rút ra khỏi thị trường hơn 98.000 tỷ.

Hoạt động trên đi cùng với lượng VND hút về qua kênh bán ngoại tệ (ước tính vào khoảng 20 tỷ USD – tương đương hơn 450.000 tỷ) khiến lượng thanh khoản tiền Đồng bị NHNN đưa ra khỏi hệ thống là rất lớn. Điều này cũng cho thấy xu hướng thắt chặt tiền tệ của NHNN đã bắt đầu từ trước đầu quý II và quyết định nâng lãi suất điều hành là hành động theo sau, hàm ý rằng không thể đối phó với áp lực bên ngoài nếu không tăng lãi suất điều hành.

"Lãi suất thực tế trên thị trường vốn đã tăng rất mạnh. Động thái tăng thêm 1 điểm % thực tế là việc hợp thức hóa lãi suất điều hành chính thức so với lãi suất thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện NHNN tương đối quyết liệt trong việc bảo vệ đồng nội tệ", Chuyên gia kinh tế TS. Phạm Thế Anh nhận định.

Tương tự, ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup cho rằng, trên thực tế Việt Nam đã có những bước điều chỉnh lãi suất từ tháng 7/2022, nhưng chỉ chính thức công bố vào tháng 9 mới đây, sau khi FED tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.

Lãi suất điều hành lần đầu tăng sau 11 năm: Thấy gì từ cú “bẻ lái” lịch sử của Ngân hàng Nhà nước? - Ảnh 4.

Lượng tín phiếu – OMO lưu hành trên thị trường Nguồn: Wichart

Lãi suất điều hành lần đầu tăng sau 11 năm: Thấy gì từ cú “bẻ lái” lịch sử của Ngân hàng Nhà nước? - Ảnh 5.

 

Theo giới chuyên môn, một trong những nguyên nhân chính khiến NHNN không thể duy trì thanh khoản quá dư dả cho các nhà băng đến từ xu hướng diều hâu của FED mà "điểm chịu lực" chính là tỷ giá.

Trước sự leo thang của đồng USD trên thị trường quốc tế, NHNN đã liên tục bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để ổn định thị trường ngoại tệ. Theo thống kê của giới phân tích, từ đầu năm đến nay, lượng ngoại tệ mà NHNN đã phải đưa ra để can thiệp đã vượt ngưỡng 20 tỷ USD, tương đương hơn 20% tổng dự trữ ngoại hối.

Ngoài ra, để giảm sức ép lên tỷ giá, nhà điều hành cũng đã lần đầu tiên mở lại kênh tín phiếu từ sau 2 năm đóng băng nhằm hút bớt nội tệ, duy trì chênh lệch lãi suất giữa VND - USD trên thị trường liên ngân hàng, tạo sự hấp dẫn cho tiền Đồng. Ở giai đoạn cao điểm vào giữa tháng 7, lượng tín phiếu lưu hành có lúc lên tới hơn 191.000 tỷ, tương ứng với số tiền bị hút ra khỏi hệ thống qua kênh này.

Dù NHNN đã triển khai nhiều công cụ hỗ trợ, tỷ giá vẫn chịu sức ép lớn khi đồng bạc xanh chạm mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ trên thị trường quốc tế. Trước diễn biến đó, liên tiếp trong tháng 7 và tháng 9, NHNN đã có 3 lần nâng giá bán USD tại Sở giao dịch với mức tăng lần lượt 150 đồng/USD, 300 đồng/USD và 225 đồng/USD, đồng thời ngừng niêm yết tỷ giá mua vào.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, việc nâng mạnh tỷ giá bán của NHNN và ngừng hẳn giao dịch mua USD từ các NHTM vừa cho thấy áp lực lớn đối với mục tiêu ổn định tỷ giá nhưng cũng vừa là một động thái mang tính chuẩn bị cho khả năng mất giá mạnh hơn của tiền Đồng.

Lãi suất điều hành lần đầu tăng sau 11 năm: Thấy gì từ cú “bẻ lái” lịch sử của Ngân hàng Nhà nước? - Ảnh 6.

 

Trong khi SSI Research dự báo, NHNN sẽ duy trì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND ở vùng 5% – 5,5%, để tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.

Đánh giá về vấn đề này, ông Trần Ngọc Báu cho rằng: Tỷ giá là một trong những "điểm nóng" nhất của nền kinh tế Việt Nam. Tuy lạm phát không đáng lo nhưng Việt Nam ở trong nhóm các nước phải sử dụng công cụ lãi suất để giảm nhiệt tỷ giá.

"Điều làm NHNN đau đầu nhất hiện nay không phải lạm phát mà là tỷ giá. Khi FED tăng lãi suất thì dòng vốn (capital flow) sẽ bị ảnh hưởng nặng. Nếu mở cửa dòng vốn thì sẽ kích hoạt "bộ ba bất khả thi" đó là mở cửa dòng vốn, ổn định tỷ giá, độc lập chính sách tiền tệ", ông Báu cho biết.

Theo vị chuyên gia này, nếu dự trữ ngoại hối đủ mạnh thì Việt Nam có thể vừa mở cửa dòng vốn, vừa ổn định tỷ giá và vừa nới lỏng tiền tệ. Nhưng với việc bán ra 23 tỷ USD tương đương 22% dự trữ ngoại hối quốc gia chỉ trong những tháng gần đây thì không thể sử dụng dự trữ ngoại hối ra để can thiệp thị trường như trước được.

Lãi suất điều hành lần đầu tăng sau 11 năm: Thấy gì từ cú “bẻ lái” lịch sử của Ngân hàng Nhà nước? - Ảnh 7.

 

Tại họp báo của NHNN mới đây, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, mặc dù thị trường có nhiều biến động lớn, nhưng nhờ điều hành các chính sách tiền tệ đồng bộ, linh hoạt nên trong 9 tháng đầu năm, đồng VND chỉ mất giá khoảng 4% so với đồng USD, thấp hơn rất nhiều so với mức mất giá của các đồng tiền khác và VND là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.

Theo đại điện NHNN, trước sự phá giá của đồng tiền các nước như trên, nếu để mất giá quá mạnh thì sẽ dẫn đến lạm phát nhập khẩu gia tăng rất lớn. Đây là cuộc chiến tiền tệ giữ cho đồng tiền không bị mất giá quá nhiều, giảm thiểu tác động của lạm phát toàn cầu tới nền kinh tế. Với bối cảnh trên, để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN đã quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành từ 23/9.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp với Thủ tướng sau khi FED nâng lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Thống đốc nhấn mạnh, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

"Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình", Thống đốc nói.

Lãi suất điều hành lần đầu tăng sau 11 năm: Thấy gì từ cú “bẻ lái” lịch sử của Ngân hàng Nhà nước? - Ảnh 8.

 

Theo TS.Trương Văn Phước, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. "Đây là 'phòng tuyến sông Cầu', nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào", vị chuyên gia ví von.

Ông Phước cho rằng, thời gian vừa qua, NHNN đã làm tốt việc này giữ tỷ giá trung tâm khoảng 0,6% và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Như vậy là sự lan truyền của lạm phát và Việt Nam sẽ bị ngưng lại bởi phòng tuyến tỷ giá.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, NHNN hiện đứng trước 2 khó khăn, nếu ổn định tỷ giá thì phải can thiệp (bán ngoại tệ - pv), mà can thiệp trong bối cảnh xuất khẩu cũng không dễ dàng.

"Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu để mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ xem như là cầu về ngoại hối hiện nay sẽ di chuyển vào trong tương lai. Đây là vấn đề cân nhắc và sự đánh đổi đó là hết sức cần thiết cho Việt Nam", ông Phước gợi ý.

Góp ý với cơ quan quản lý tiền tệ, Giáo sư Andreas Hauskrecht, Đại học Indiana (Mỹ) cũng nói, Việt Nam không nên giảm giá tiền đồng bởi nếu không sẽ gây rủi ro tài chính.

Theo GS. Andreas Hauskrecht, với động thái dự kiến tăng lãi suất trong tháng cuối năm 2022 và 2023 của FED, nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ sẽ ngày càng rõ rệt hơn. Điều này sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là tỷ giá VND/USD.

Ông dự báo đồng Việt Nam sẽ tăng mạnh so với euro và các đồng tiền khác. Khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh toán, ảnh hưởng nhất đến giá trị xuất nhập khẩu.

"Nhưng Việt Nam không nên giảm giá tiền đồng, cũng không tăng lãi suất bởi có thể gây bất ổn tài chính. Thay vào đó Việt Nam nên dùng các công cụ tài chính thận trọng, an toàn", GS. Hauskrecht khuyên.

 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Lãi suất điều hành lần đầu tăng sau 11 năm: Thấy gì từ cú “bẻ lái” lịch sử của Ngân hàng Nhà nước?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO