Là 'mối đe doạ hiện hữu' với phương Tây, chuyên gia đặt câu hỏi: 'Liệu BRICS có thực sự đáng gờm nếu không có Trung Quốc?''

Chi Lan | 11:30 07/06/2023

Một chuyên gia chỉ ra, nhiều khả năng sẽ chỉ có 1 quốc gia trong BRICS đủ tiềm lực để thách thức đồng USD, đó là Trung Quốc. Ông đặt câu hỏi, nếu khối này không có Trung Quốc đóng vai trò chính, thì liệu giới tinh hoa toàn cầu có quan tâm đến BRICS hay không?

Là 'mối đe doạ hiện hữu' với phương Tây, chuyên gia đặt câu hỏi: 'Liệu BRICS có thực sự đáng gờm nếu không có Trung Quốc?''

Tiềm lực của khối BRICS

Trước cuộc họp của khối BRICS gần đây, các quan chức thế giới hiếm khi nghĩ về 5 từ được coi là nguy hiểm trong kinh tế học: mọi thứ lần này đã khác. 

Trong nhiều năm qua, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và các nền kinh tế mới nổi khác đã có tham vọng phá vỡ vị thế thống trị của đồng USD. Ở Cape Town, các bộ trưởng ngoại giao trong khối BRICS đã đưa ra nhận định về việc này vào thời điểm nhiều quốc gia muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. 

Trước khi thảo luận, các thành viên BRICS đã thúc giục ngân hàng mà nhóm thành lập tìm hiểu về cách thức của một đồng tiền tệ chung trong hoạt động logistics, cơ sở hạ tầng thị trường và các biện pháp trừng phạt Nga ảnh hưởng đến mọi thứ như thế nào. 

Một yếu tố quan trọng khác là họ đưa ra một loạt các thoả thuận thương mại mà không sử dụng đồng USD. Trung Quốc và Brazil đồng ý giao thương bằng đồng NDT, Pháp cũng thực hiện một số giao dịch bằng đồng NDT, Ấn Độ và Malaysia tăng cường sử dụng đồng rupee trong thương mại song phương, Bắc Kinh và Moscow sẽ giao dịch bằng NDT và rúp. 

Ở ASEAN, 10 quốc gia thành viên đang nỗ lực để thực hiện nhiều hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực bằng đồng nội tệ. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN, cũng đang hợp tác với Hàn Quốc để đẩy mạnh các giao dịch phi dầu mỏ bằng đồng rupiah và won. 

Pakistan đang chuẩn bị việc thanh toán dầu nhập khẩu của Nga bằng đồng NDT. UAE cũng thảo luận với Ấn Độ về việc thực hiện nhiều giao dịch dầu mỏ hơn bằng đồng rupee. 

Cuối tuần trước, Argentina đã công bố kế hoạch tăng gấp đôi giá trị hợp đồng hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc lên khoảng 10 tỷ USD, trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của nước này cạn kiệt vì lạm phát tăng 109%. Song, đây vẫn là dấu hiệu cho thấy khu vực Nam Mỹ cũng đang muốn tách rời đồng USD. 

screen-shot-2023-06-07-at-09.41.49.png

Frank Giustra, đồng chủ tịch của International Crisis Group, cho hay: “Dù có thể Mỹ sẽ phản đối, nhưng xu hướng ‘phi USD hoá’ vẫn sẽ tồn tại, vì các nước bên ngoài phương Tây đều muốn có một hệ thống thương mại khiến họ ít bị ảnh hưởng hơn trước việc đồng USD thống trị và được vũ khí hoá. Đây không còn là vấn đề ‘nếu’, mà là ‘khi nào’.” 

Nhà kinh tế Rory Green tại TS Lombard nhận định thêm “địa chính trị và tiềm lực kinh tế của Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng NDT cho các hoạt động thương mại và sử dụng trong dự trữ ngoại hối. Việc đồng NDT được sử dụng nhiều hơn trên phạm vi quốc tế sẽ tạo điều kiện để ‘phá vỡ’ các lệnh trừng phạt, nhưng vị thế của đồng USD không bị đe doạ.” 

Green nói, chắc chắn, tiềm lực về kinh tế và chính trị của Trung Quốc chưa đủ để làm được điều đó nên có thể dẫn đến tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai và khó có thể cung cấp đủ nhu cầu đối với đồng NDT trên toàn cầu. Theo ông, điều này gây khó khăn cho kế hoạch cạnh tranh với đồng USD của Bắc Kinh. 

Song, việc các thành viên BRICS được thúc đẩy tiềm lực bằng “những con số” có thể sẽ là yếu tố giúp thay đổi “cuộc chơi”. Hiện tại, các quốc gia này đóng góp 23% GDP toàn cầu và hơn 42% dân số thế giới. Hiện tại, ít nhất 19 quốc gia khác đang muốn gia nhập khối và điều này sẽ làm tăng tầm ảnh hưởng của họ. 

Giờ đây, 5 quốc gia BRICS đang tích trữ 100 tỷ USD ngoại tệ cho quỹ dự phòng rủi ro. Các khoản tiền này có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, cho phép các nước thành viên không cần phải tìm đến IMF. Kể từ năm 2015, BRICS đã phê duyệt các khoản vay hơn 30 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, giao thông và thuỷ lợi. 

Tham vọng phá vỡ thế thống trị của đồng USD 

Câu chuyện về tiền tệ của BRICS đã thu hút sự chú ý lớn kể từ giữa năm 2022, khi Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 được tổ chức tại Bắc Kinh. Tại đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết BRICS đang tạo ra “một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới” và sẵn sàng để sử dụng trên quy mô lớn hơn. 

Vào tháng 4, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã lên tiếng ủng hộ đồng tiền tệ riêng của BRICS. Ông đặt câu hỏi: “Tại sao một khối như BRICS lại không thể có đồng tiền tệ chung để giao dịch với nhau. Ai là người quyết định đồng USD đóng vai trò là đồng tiền tệ thương mại sau thời kỳ giao dịch ngang giá vàng?”  

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad đã nhấn mạnh việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong thương mại song phương, nêu trọng tâm là phải loại bỏ việc sử dụng đồng tiền tệ thứ 3. 

Ông Lula có thể sẽ nhận được câu trả lời vào tháng 8, khi hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia BRICS được tổ chức tại Johannesburg. Mong muốn ra mắt một phiên bản BRICS của đồng euro có thể nhận được sự ủng hộ từ các nước như Ai Cập, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út. 

"Điểm yếu" của BRICS

Đại sứ BRICS - Anil Sookal, cho biết một số quốc gia khác cũng bày tỏ mong muốn gia nhập khối, bao gồm: Afghanistan, Algeria, Argentina, Bahrain, Bangladesh, Belarus, Iran, Kazakhstan, Mexico, Nicaragua, Nigeria, Pakistan, Senegal, Sudan, Syria, UAE, Thái Lan, Tunisia, Uruguay, Venezuela và Zimbabwe. Ông cũng tiết lộ một số quốc gia châu Âu cũng có ý định tương tự. 

screen-shot-2023-06-07-at-09.41.57.png

Tuy nhiên, việc có quá nhiều thành viên cũng sẽ tạo thêm vấn đề cho BRICS, vì khi càng thêm quốc gia thì càng có nhiều khác biệt về kinh tế cũng như thách thức, mong muốn mâu thuẫn với nhau thì khối sẽ trở nên khó thống nhất hơn. Chỉ riêng với sự tham gia của Nga, sau khi xung đột với Ukraine xảy ra, đã khiến hoạt động của khối phức tạp hơn. 

Paul McNamara, giám đốc đầu tư của GAM Investments, cho biết vấn đề chính ở đây là BRICS vẫn là một từ viết tắt nhằm mục đích tìm kiếm một lập luận về kinh tế. Từ này được nhà kinh tế Jim O’Neill nghĩ ra vào năm 2001. 

Theo McNamara, nhiều khả năng sẽ chỉ có 1 quốc gia đủ tiềm lực để thách thức đồng USD, đó là Trung Quốc. Ông lập luận, nếu khối này không có Trung Quốc đóng vai trò chính, thì liệu giới tinh hoa toàn cầu có quan tâm đến BRICS hay không. 

Xu hướng “phi đô la hoá” là có thật 

Một số chuyên gia nhận định, BRICS sẽ mất nhiều thời gian hơn để “đánh bật” vị thế thống trị của đồng USD. Vikram Rai, nhà kinh tế cấp cao tại TD Bank, cho biết, xu hướng dần tách rời đồng USD đang rất rõ ràng dù vị thế của đồng tiền này là điều không thể bàn cãi. 

Rai lập luận: “Trong vòng 1 hay 2 thập kỷ tới, các loại tiền tệ chiếm ưu thế trong mỗi khu vực và mô hình quốc tế đa cực có khả năng sẽ xuất hiện. Vai trò này hiện được đảm nhận bởi đồng USD, nhưng sau đó sẽ được ‘san sẻ’ cho đồng euro, NDT, tiền số của các NHTW và cũng có thể là các loại tiền tệ khác mà chúng ta chưa thấy.” 

Báo cáo công bố vào tuần trước của Moody’s Investors Service cho hay: “Chúng tôi dự đoán một hệ thống tiền tệ đa cực hơn sẽ xuất hiện trong vài thập kỷ tới, nhưng đồng bạc xanh vẫn ‘đi đầu’, vì những đồng tiền cạnh tranh với USD sẽ gặp khó khăn trong việc tái tạo quy mô, mức độ an toàn và khả năng chuyển đổi một cách toàn diện.” 

Hồi tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng châu Âu nên hạn chế sự phụ thuộc vào “đặc quyền ngoại giao của đồng USD”. Điều này được quan tâm nhiều hơn khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. 

dedollarisation_dollar_sinking.jpg

Trong khi đó, CEO Tesla Elon Musk cũng cảnh báo rằng “xu hướng phi USD hoá là có thật và đang diễn ra nhanh chóng”. Ông chia sẻ trên Twitter rằng: “Nếu bạn vũ khí hoá đồng tiền tệ quá nhiều lần, các quốc gia khác sẽ ngừng sử dụng nó.” 

Nhà kinh tế Stephen Jen tại Eurizon SLJ Asset Management lưu ý, “những hành động đặc biệt” - như các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga, đã khiến nhiều quốc gia suy nghĩ lại về việc nắm giữ đồng USD. Ông cho biết, vai trò là đồng tiền dự trữ của USD trong năm 2022 đã “sụt giảm một cách đáng kinh ngạc”, có thể là do các lệnh trừng phạt quá gắt gao. 

Thậm chí, tỷ phú Ray Dalio cũng đồng tình rằng thị trường cũng “không còn ưa thích” mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Ông chỉ ra nguyên nhân là do phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản của NHTW Nga và cho rằng “động thái này làm tăng rủi ro với những quốc gia khác đang nắm giữ trái phiếu Mỹ.” 

O’Neill, người đặt ra khái niệm BRICS, cho biết hệ thống toàn cầu dường như đã sẵn sàng cho sự thay đổi. Ông lưu ý: “Đồng USD đã đóng vai trò quá nổi trội trong hệ thống tài chính toàn cầu. Bất cứ khi nào Fed bước vào các giai đoạn thắt chặt hay nới lỏng chính sách tiền tệ thì giá trị đồng USD và tác động dây chuyền đều rất lớn.” 

Chính động lực này đã “mở đường” cho các cuộc họp ở Cape Town trong vài ngày vừa qua. Đây là sự kiện có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống tiền tệ đối với các thế hệ sau. 

Tham khảo Asia Times 


(0) Bình luận
Là 'mối đe doạ hiện hữu' với phương Tây, chuyên gia đặt câu hỏi: 'Liệu BRICS có thực sự đáng gờm nếu không có Trung Quốc?''
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO