Tờ Nikkei dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng hàng năm đối với Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam được cho là điểm sáng cho tăng trưởng.
Trong dự báo kinh tế mới nhất được công bố hôm thứ Ba, ngân hàng này đã hạ mạnh mức tăng trưởng của Trung Quốc xuống 2,8% từ mức 5% hồi tháng 4. Việc này làm giảm dự báo của khu vực xuống còn 3,2% cho cả năm nay, tương đương đã giảm so với mức tăng trưởng 5% được dự đoán cũng hồi tháng 4. Báo cáo bao gồm Đông Á, Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương, nhưng không bao gồm Nhật Bản và hai miền Triều Tiên.
Việt Nam được Ngân hàng Thế giới dự báo sẽ dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng hàng năm đạt 7,2%, tăng từ mức 5,3% theo dự báo hồi tháng 4. Triển vọng đối với Indonesia không đổi ở mức 5,1%. Nếu không tính Trung Quốc, khu vực này dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022.
Aaditya Mattoo, Nhà kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, cho biết: "Nguồn tăng trưởng lớn trong khu vực hiện nay đến từ sự giải phóng khỏi những hạn chế mà các quốc gia bắt buộc phải duy trì thông qua các quy tắc hoặc những hạn chế tự phát mà người dân thực hiện đối với tiêu dùng trong thời kỳ Covid-19".
Ngân hàng Thế giới dự báo năm nay kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,8%, năm sau là 4,5%. Ảnh: Dy Khoa.
Phần lớn khu vực đã mở cửa trở lại cho việc đi lại và nới lỏng các hạn chế về đại dịch, riêng Trung Quốc vẫn duy trì chính sách zero-Covid và áp đặt các đợt đóng cửa lẻ tẻ ở một số thành phố lớn. Ngân hàng Thế giới dự đoán Philippines, Thái Lan và Campuchia sẽ trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm nay. Còn Trung Quốc đã phục hồi trước đó để vượt mức trước đại dịch, tiếp tục vượt xa khu vực mặc dù tăng trưởng có chậm lại.
Dự báo tăng trưởng Lào và Mông Cổ bị hạ xuống do lạm phát, lãi suất cao hơn và đồng tiền yếu hơn đã làm giảm sức mua và khả năng trả nợ. Tăng trưởng của nhóm nước này, và của Trung Quốc, sẽ dưới 3% trong năm nay, nhưng các nền kinh tế dự kiến sẽ phục hồi trong năm tới với mức tăng trưởng dự báo là 5,5% đối với Mông Cổ, 4,5% Trung Quốc và Lào 3,8%.
Ngoài Lào và Mông Cổ, hầu hết các nước trong khu vực sẽ có thể chịu tương đối tốt việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất "tương đối".
Tăng trưởng ở các đảo Thái Bình Dương chủ yếu đến từ Fiji, quốc đảo này được dự báo sẽ tăng 12%. Trong khi quần đảo Solomon, Tonga, Samoa và Micronesia được dự đoán sẽ theo cam kết.
Nhưng giới hạn giá cả, trợ cấp và hạn chế thương mại khiến lạm phát trung bình trong khu vực xuống 4% - thấp hơn hầu hết thế giới - có thể hạn chế tăng trưởng dài hạn bằng cách hỗ trợ sản xuất lương thực kém hiệu quả về kinh tế và các nguồn năng lượng carbon cao.
Thái Lan được dự báo kinh tế tăng 3,1% trong năm nay. Ảnh: Dy Khoa.
Báo cáo cho thấy Châu Á - Thái Bình Dương kiểm soát giá cả hàng hóa nhiều hơn bất kỳ khu vực đang phát triển nào khác ngoại trừ Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ đang nghiêng về phía nông dân trồng lúa và các loại ngũ cốc khác, mặc dù người tiêu dùng ngày càng ưa thích rau, trái cây và thịt.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan
Các biện pháp hiện tại cũng đang đảo ngược nhiều năm giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Tại Indonesia và Malaysia, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đã tăng từ khoảng 1% GDP năm 2020 lên hơn 2%. Sự đảo ngược này có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu giảm phát thải carbon và khiến các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc giá trong tương lai, ngân hàng cảnh báo.
Ngân hàng Thế giới kêu gọi các chính phủ cân bằng tính bền vững dài hạn với phúc lợi công cộng ngắn hạn và các đặc quyền chính trị khi Indonesia, Thái Lan và Malaysia phải đối mặt với các cuộc bầu cử vào năm tới. Ngân hàng cho biết việc chuyển giao thu nhập có mục tiêu sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với các khoản trợ cấp và phân phối hàng loạt. Tại Thái Lan, Ngân hàng Thế giới nhận thấy rằng 2,2 tỷ baht (58,2 triệu USD) tiền mặt sẽ giảm nghèo một điểm phần trăm, nhưng đòi hỏi cần 11,2 tỷ baht cho trợ cấp nhiên liệu.
Ngân hàng Thế giới cho biết việc hỗ trợ giá kéo dài sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách và cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục sẽ bị giảm chi. Thái Lan, Philippines và Malaysia sẽ kết thúc năm với tỷ lệ nợ công trên GDP cao hơn, dự kiến sẽ vượt quá 60% ở cả ba nước.
Kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo cao hơn trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Dy Khoa.
Các khoản đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng dài hạn sẽ là cần thiết, do nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của khu vực có dấu hiệu suy yếu. Ngân hàng Thế giới ghi nhận các báo cáo hàng quý từ các nhà bán lẻ Mỹ cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng điện tử đang chậm lại, nhiều trong số đó được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia. Suy thoái ở các nền kinh tế lớn trong năm nay có thể làm giảm hơn 1 điểm phần trăm tăng trưởng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Malaysia chịu thiệt hại lớn nhất, ở mức 0,8 điểm phần trăm.
Trong năm 2023, Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,7%, cao nhất khu vực và cao hơn mức trung bình của cả Đông Á - Thái Bình Dương. Đông Á - Thái Bình Dương dự báo là 4,6%.
Các nước Philippines, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Mông Cổ được dự báo tăng trưởng lần lượt trong năm 2023 là 5,8, 4,2, 5,1 5,2, 4,1, 4,5 và 5,5%.