Kiểm soát tập trung kinh tế trước làn sóng M&A tăng mạnh

Vân Anh | 11:14 25/03/2022

Năm 2021 tại thị trường Việt Nam đã diễn ra 875 thương vụ tập trung kinh tế. Đáng chú ý là việc xuất hiện nhiều giao dịch tập trung kinh tế mà chủ thể là các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Vingroup, Massan, Kido…

Kiểm soát tập trung kinh tế trước làn sóng M&A tăng mạnh
Massan là cái tên nổi lên gần đây trong các thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương vừa phối hợp với Dự án “Hoàn thiện chính sách và nâng cao năng lực thực thi Luật Cạnh tranh” (thuộc Dự án JICA Nhật Bản) tổ chức Tọa đàm “Thông báo tập trung kinh tế: Tuân thủ để cạnh tranh công bằng”.

Bùng nổ giao dịch M&A

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh – Bộ Công Thương cho biết, năm 2021 đã chứng kiến kỷ lục mới của hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên phạm vi toàn cầu với 63.000 giao dịch M&A, đạt giá trị 5.900 tỷ USD.

Đây là con số kỷ lục kể từ khi hoạt động M&A được ghi nhận năm 1980, trong đó lĩnh vực công nghệ chiếm khoảng 20%, lĩnh vực tài chính chiếm khoảng 13% và lĩnh vực công nghiệp chiếm khoảng 11%.

Số lượng các giao dịch với quy mô lớn, có giá trị giao dịch từ 1 đến 5 tỷ USD tăng gấp đôi. Đáng chú ý, trong đó có đến 55 thương vụ M&A có giá trị giao dịch trên 10 tỷ USD.

Nói về nguyên nhân “bùng nổ” M&A năm 2021, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đầu tiên là do bối cảnh chung khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều giao dịch đã được thỏa thuận, thống nhất từ năm 2020 nhưng đến năm 2021 mới được thực hiện.

Việc Chính phủ các nước tung ra các gói kích thích lãi suất vay tương đối thấp dẫn đến việc các doanh nghiệp có vốn được tăng thêm động lực để mua lại các doanh nghiệp khác.

Lí do nữa là do thị trường vốn phát triển, trong đó thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn của các doanh nghiệp. Trong năm 2021, thị trường chứng khoán phát triển với chỉ số cao dẫn đến việc các doanh nghiệp có nguồn tiền mặt để có thể tham gia các hoạt động M&A.

Ngoài ra còn có sự thay đổi về hành vi tiêu dùng, hành vi giải trí, giáo dục dẫn đến doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình kinh doanh với yêu cầu cần có tài sản về công nghệ hoặc tài sản về dữ liệu, tài sản số. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp phải mua lại các doanh nghiệp khác.

Lượng hồ sơ thông báo tập trung kinh tế tăng mạnh

TS. Nguyễn Anh Tuấn – Luật sư Công ty Luật TNHH LNT và thành viên cho rằng, việc các thương vụ M&A trên toàn cầu năm 2021 có xu hướng gia tăng đã dẫn đến số lượng giao dịch phải thông báo tập trung kinh tế tới các cơ quan cạnh tranh cũng gia tăng.

Bà Trần Phương Lan – Trưởng phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công thương thông tin, năm 2021 tại thị trường Việt Nam đã diễn ra 875 thương vụ tập trung kinh tế, trong đó có 134 giao dịch mua lại, 90 giao dịch sáp nhập và 651 giao dịch là hình thức liên doanh.

Đáng chú ý là việc xuất hiện nhiều giao dịch tập trung kinh tế mà chủ thể là các doanh nghiệp cũng như tập đoàn lớn của Việt Nam như Vingroup, Massan, Kido…

Cũng theo bà Trần Phương Lan, qua đặc điểm của các giao dịch trong năm 2021, có thể thấy xu hướng chung trong thời kỳ đại dịch Covid-19 là thực hiện tập trung kinh tế để tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp mình hoặc hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài để phát triển, mở rộng thông qua các hình thức tập trung kinh tế.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sang các lĩnh vực khác thông qua việc thâu tóm các doanh nghiệp nhỏ đang trong thời kỳ khó khăn.

Bà Trần Phương Lan nhấn mạnh, M&A và tập trung kinh tế là quyền tự do cạnh tranh của các doanh nghiệp, doanh nghiệp được thực hiện và pháp luật không cấm nhưng phải tuân thủ theo quy định kiểm soát tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh.

Cụ thể, pháp luật cạnh tranh Việt Nam đưa ra các ngưỡng như tổng tài sản trên thị trường Việt Nam; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam; giá trị của giao dịch tập trung kinh tế và thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan tại Việt Nam.

Nếu giao dịch thuộc ngưỡng đó thì các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có nghĩa vụ, trách nhiệm thông báo tập trung kinh tế cho cơ quan cạnh tranh.

Trong năm 2021, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xem xét 130 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Trong số 130 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, có 92 giao dịch được thực hiện tại Việt Nam (chiếm tỷ lệ hơn 70%); có 36 giao dịch được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiếm tỷ lệ khoảng 28%).

Các giao dịch tập trung kinh tế được thông báo chủ yếu có hình thức “mua lại” (với tỷ lệ 82%) và dạng thức tập trung kinh tế theo chiều ngang giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan (chiếm tỷ lệ 61%).

TS. Nguyễn Anh Tuấn lưu ý, để tránh rủi ro pháp lý và các chế tài nghiêm khắc thì các doanh nghiệp nên chủ động tự xác định giao dịch của mình có thuộc trường hợp tập trung kinh tế phải thông báo hay không, từ đó, chủ động chuẩn bị hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, trong đó, hồ sơ phải đáp ứng về hình thức và nội dung theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh.

Bà Trần Phương Lan nhấn mạnh, việc kiểm soát và thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế cần phải được thực hiện theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, từ đó, đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn bổ sung, trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam có tham gia, chẳng hạn như CPTPP, EVFTA, RCEP… đều chứa đựng các cam kết về cạnh tranh, đồng thời, thiết lập cơ chế để các nước thành viên có thể ký kết thỏa thuận hợp tác và phối hợp nhằm thúc đẩy việc thực thi pháp luật cạnh tranh nói chung và pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế nói riêng một cách có hiệu quả trong khu vực.

Do đó, cơ quan cạnh tranh Việt Nam có thể hợp tác với cơ quan cạnh tranh các nước thành viên trong khu vực thương mại tự do để trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm đánh giá nhằm quyết định thống nhất cũng như thúc đẩy xem xét, thẩm định nhanh chóng, hiệu quả đối với các giao dịch tập trung kinh tế có tính chất xuyên biên giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kiểm soát tập trung kinh tế trước làn sóng M&A tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO