Mới đây, chia sẻ tại hội thảo “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản” bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng Việt Nam cần sớm nghiên cứu chính sách điều tiết thu nhập đối với các khoản thu chênh lệch địa tô.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng trong thực tiễn, khi nhà nước đầu tư quy hoạch, xây dựng cơ sơ hạ tầng, phát triển, quy hoạch thêm nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, mở đường cao tốc, cầu, sân bay, bến cảng… sẽ mang lại nhiều sự thay đổi về đời sống kinh tế xã hội trong đó có yếu tố về giá cả đất đai tăng.
Theo thông lệ quốc tế này thì khoản thu lợi này của các tổ chức, cá nhân, thường gọi là khoản chênh lệch địa tô, đều có chính sách điều tiết thích hợp.
Tuy nhiên ở Việt nam chưa bị điều tiết bởi bất cứ chính sách thu nào dẫn đến ngân sách nhà nước chưa huy động được nguồn thu. Các tổ chức, cá nhân thu lợi không phải từ hoạt động của bản thân mình mang lại mà do chênh lệch địa tô, điều này chưa thực sự bình đẳng. Vì vầy cần sớm nghiên cứu ban hành chính sách điều tiết hợp lý, bà Nguyễn Thị Cúc khuyến nghị.
Về vấn đề chênh lệch địa tô, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội nhận định từ Luật Đất đai 2003 đến Đất đai 2013 đều đã có những quy định về điều tiết chênh lệch địa tô. Cụ thể, quy định đó có nội dung là “Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất đai không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại”. Tuy nhiên điều đáng buồn là những quy định trên đến nay dường như vẫn “chỉ có trên giấy”.
Dẫn chứng một trường hợp cho câu chuyện trên, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến lấy ví dụ trường hợp nhà nước dùng vốn ngân sách mở một số tuyến đường “đắt nhất hành tinh” tại Hà Nội. Nhà nước tốn rất nhiều tiền đầu tư, tự nhiên “ông” trong ngõ ra mặt tiền. Mà mặt tiền là “tiền mặt”, giá đất rất cao tự nhiên ông được hưởng.
Tuy nhiên lại chẳng có quy định nào đánh thuế phần chênh lệch này vì giá trị tăng lên của đất đai những khu vực đó là Nhà nước đầu tư mà sinh ra, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến đặt vấn đề.
Đối với câu chuyện xử lý chênh lệch địa tô khi nhà nước thực hiện các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông tại đô thị, gần đây giới chuyên gia đã có không ít tranh luận liên quan đến đề án của Thành phố Hồ Chí Minh về việc cho phép thu hồi thêm diện tích 2 bên đường khi đầu tư mới hoặc mở rộng các tuyến đường hiện có để bán đấu giá.
Nhận định về đề án trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HOREA) cho rằng việc mở rộng, hay làm mới các tuyến đường như hiện nay khiến Nhà nước phải bỏ ra những khoản tiền lớn, hàng nghìn tỷ, vượt quá khả năng ngân sách, bên cạnh đó người dân bị giải tỏa để thực hiện dự án thì chịu thiệt thòi, trong khi những người trong hẻm sau khi triển khai dự án lại hưởng lợi gấp nhiều lần, gây bất công, khiếu kiện tại nhiều nơi. Không những thế, bộ mặt đô thị không đẹp vì xuất hiện những căn nhà siêu mỏng.
Đối với phương án thu hồi đất 2 bên đường như một giải pháp xử lý chênh lệch địa tô, bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì một số chuyên gia pháp lý cũng bày tỏ băn khoăn liên quan đến việc cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan để đảm bảo tính khả thi của phương án.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Lawfirm cho rằng, đây là chính sách có thể mang lại lợi ích lớn ngân sách. Tuy nhiên, cần có quy định về việc khi thu hồi bán thì đấu giá thế nào, quy trình bán đấu giá ra sao để tránh thất thoát.
Ngoài ra, tiền này nộp vào ngân sách hết thì bồi thường cho người dân ra sao. Hay lại bồi thường theo giá Nhà nước ở mức thấp không theo giá thị trường, Luật sư Trương Anh Tú băn khoăn.