Hoàn thiện hành lang pháp lý, chìa khóa để vốn hóa đất đai thành công

Lê Sáng thực hiện | 11:20 11/05/2022

Hội nghị Trung ương 5 nhấn mạnh đến việc: "Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để vốn hóa đất đai thành công là một trong những chìa khóa để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045".

Hoàn thiện hành lang pháp lý, chìa khóa để vốn hóa đất đai thành công
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chia sẻ với MarketTimes, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để hiện thực hóa được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 thì vốn hóa đất đai được xem là một công tác trọng yếu và cần được nghiên cứu, xem xét và cân nhắc một cách thấu đáo.

MarketTimes: Hội nghị Trung ương 5 đã tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, quan điểm của Giáo sư về định hướng này ra sao?

GS. Đặng Hùng Võ: Xét từ bối cảnh lịch sử của nước ta từ khi có Luật đất đai năm 1993 đến nay việc xác định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” thì Nhà nước đã quản lý khá hiệu quả tài nguyên đất.

Ngay trong Luật Đất đai 2013 cũng quy định, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư..., trong đó có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

Việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý, đồng thời trao đầy đủ quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, cơ sở tôn giáo... như hiện nay là phù hợp và không có gì vướng mắc ở điểm này.

Trong Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định, đất đai là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Thực tế cho thấy, hiện người sử dụng đất được pháp luật thừa nhận các quyền như đối với các loại tài sản thuộc sở hữu tư nhân khác theo quy định của pháp luật như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thừa kế, thế chấp, cho thuê...

Như vậy, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng chỉ người có quyền sử dụng đất hợp pháp mới được thực hiện đủ 3 quyền năng đối với tài sản là đất đai, bao gồm chiếm hữu, định đoạt, sử dụng và hưởng lợi.

Ngoài ra, trong Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định, tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ và người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng.

MarketTimes: Như vậy, định hướng đã đúng nhưng tại sao công tác vốn hóa đất đai thời gian qua tại nước ta lại chưa thực sự hiệu quả như Giáo sư đã nhiều lần chia sẻ?

GS. Đặng Hùng Võ: Vốn hóa đất đai, nói đơn giản là chuyển đất thành tiền sao cho đảm bảo lợi ích giữa người sử dụng đất, người có vốn đầu tư vào đất và nhà nước đảm bảo tính công bằng giữa các bên tham gia vào việc chuyển dịch đất đai là một bài toán khó.

Trong thời kỳ bao cấp, tất cả đất đai, tài nguyên thiên nhiên, nhà máy, công trình... đều là của nhà nước. Khi nhà nước có một chính sách hợp lý thì từ đất đai, công sản đó có thể tạo nên nguồn lực tài chính vô cùng lớn cho đất nước. Chính sách không đúng sẽ làm cho nguồn lực tài chính này chuyển phần lớn vào túi tư nhân.

Chính vì vậy mà số lượng tỷ phú chính thức và không chính thức ở các nền kinh tế đang chuyển đổi thường tăng nhanh hơn nhiều so với các nước công nghiệp phát triển.

Tại Việt Nam, đất công từ thời bao cấp như các cửa hàng, kho lương thực, nhà máy, công sở... "giá trị cao hơn vàng" dù hiện diện ở hầu hết các nơi, nhưng nay đã biến hóa, mất mát đi nhiều.

Tất nhiên, nói như vậy không phải tại Việt Nam công tác vốn hóa đất đai không có điểm sáng, một trong những địa phương đã thực hiện tương đối tốt công tác này là trường hợp của Thành phố Đà Nẵng.

Từ một thành phố từ chỗ khá lụp xụp, Đà Nẵng hiện đã trở thành một đô thị hấp dẫn, hiện đại được gọi là thành phố đáng sống.

Đây là một đô thị được tổ chức khá tốt và tiền để xây dựng Thành phố Đà Nẵng từ chính đất đai tại đó. Đà Nẵng đã sử dụng tiền thu từ đất để phát triển được một Thành phố Đà Nẵng như ngày nay. Chiến lược là bỏ qua trung tâm cũ ở bên này sông Hàn, chọn đất hoang hóa ở bên kia sông Hàn làm trung tâm mới.

MarketTimes: Vậy theo Giáo sư ,đâu sẽ chìa khóa mở ra “lời giải” cho bài toán khó nói trên?

GS. Đặng Hùng Võ: Để thực hiện công tác hiệu quả, trước hết yêu cầu một hành lang pháp lý đủ mạnh, khoa học và hiệu quả.

Rất mừng, việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa luật pháp, chính sách về đất đai, trước hết là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật pháp có liên quan đã được Hội nghị Trung ương 5 xác định là nhiệm vụ được ưu tiên.

Theo đó, việc chuyển dịch đất đai từ hiện trạng sử dụng kém hiệu quả sang một cách thức sử dụng khác hiệu quả cao hơn, đảm bảo công khai minh bạch, có sự tham gia của người dân cũng như gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý.  Đó phải là yêu cầu xuyên suốt còn việc đấu giá, đấu thầu hay giao đất chỉ là các giải pháp mang tính kỹ thuật.

Nhìn chung, luật pháp liên quan, trọng tâm là Luật Đất đai sửa đổi phải làm sao để có tầm đủ lớn nhằm nâng đỡ các vấn đề khác trong mục tiêu phát triển đất nước.

Cần thẳng thắn nhìn nhận, nếu không thay đổi chính sách đất đai thì sẽ khó đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm thứ 100 kỷ niệm ngày thành lập đất nước vào năm 2045.

MarketTimes: Xin cảm ơn Giáo sư!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hoàn thiện hành lang pháp lý, chìa khóa để vốn hóa đất đai thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO