Không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, "chìa khóa" để phát triển đô thị bền vững

Lê Sáng | 14:27 18/06/2022

Quán triệt Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các đơn vị chức năng cần lưu ý không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ để phát triển đô thị bền vững.

Không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, "chìa khóa" để phát triển đô thị bền vững
Chỉ đoạn đường Lê Văn Lương dài hơn 2km nhưng phải cõng 33 dự án chung cư cao tầng với mật độ dân số hơn 100 nghìn người.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập

Theo đó, phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã thông tin, tới nay Việt Nam đã có 869 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được như tỉ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được cải thiện,… thì công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đô thị hóa và phát triển đô thị của đất nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức trong quá trình phát triển.

Đặc biệt, trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tỉ lệ đô thị còn thấp, phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều. Chất lượng đô thị còn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về hạ tầng và năng lực quản lý.

Công tác chỉnh trang, cải tạo các đô thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn bất cập về cơ chế, chính sách và lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tình trạng chung của các đô thị lớn là tắc nghẽn giao thông, ngập úng khi có mưa lớn. Tỉ lệ đất giao thông, đất cây xanh còn thấp, chưa bảo đảm theo yêu cầu.

Không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ

Trước những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh trong thời gian tới Chính phủ, các Bộ ngành sẽ tập trung quán triệt thực hiện những định hướng, quan điểm tại Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu và quyết tâm của Đảng, Nhà nước là phát triển đô thị bền vững, nhằm xây dựng các đô thị ở nước ta tiệm cận các tiêu chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó và trước hết là trách nhiệm của Chính phủ và Đảng bộ, chính quyền các địa phương. Thực tiễn quá trình phát triển đô thị trong những năm vừa qua và thực trạng của hệ thống các đô thị trên toàn quốc hiện nay đặt ra cho chúng ta rất nhiều vấn đề phải giải quyết trong công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, trong công tác quản lý và quản trị đô thị nói chung.

Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác phát triển đô thị và quản lý đô thị. Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian, trong đó hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phúc lợi công cộng là những nội dung cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên.

Việc chỉnh trang các đô thị trung tâm vừa phải giữ gìn được các công trình văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị, nhưng đồng thời phải đặc biệt chú trọng cải tạo hệ thống hạ tầng, bảo đảm từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại, như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, mật độ cây xanh, nhất là chú trọng phát triển các công trình phúc lợi như công viên, quảng trường; không "hy sinh" các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, nhà ở.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, "các khu vực phát triển mới là cơ hội để chúng ta phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh", do vậy từ khâu quy hoạch (quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết) tới quá trình triển khai xây dựng cần phải bảo đảm thực hiện thật nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về tỉ lệ đất giao thông, cây xanh, phúc lợi và lưu ý không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ làm phá vỡ quy hoạch chung.

Cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm mạnh mẽ

Trước những hạn chế, tồn tại mà Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ ra, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng cần phải có sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm chính trị mạnh mẽ mới có thể giải quyết dứt điểm.

Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, tình trạng không tôn trọng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch theo “nguyện vọng của doanh nghiệp” cũng như việc buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho vi phạm liên quan đến quy hoạch đã và đang trở thành vấn nạn đang báo động trong việc phát triển đô thị trên cả nước.

Nhận định giải pháp nhằm xử lý dứt điểm cũng như phòng ngừa, hạn chế những vi phạm liên quan đến quy hoạch, quản lý quy hoạch tại các đô thị thời gian qua, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch, nâng tầng, biến đất công ích, cây xanh thành đất thương mại, đất ở để bán liệu có đem lại lợi ích cho chủ đầu tư hay không, hoặc có gì bên trong hay không thì cần phải xem xét, điều tra. Nhưng có một điều cần phải khẳng định, đó là điều chỉnh quy hoạch có quy trình nhưng các dự án điều chỉnh đã không thực hiện đúng quy trình.

Công tác thanh kiểm tra nhằm chỉ ra những sai phạm về quy hoạch, quản lý quy hoạch là rất cần thiết, tuy nhiên, việc xử lý hậu thanh tra nghiêm túc, đúng người, đúng trách nhiệm, không “thỏa hiệp” cũng như tạo điều kiện để hợp thức hóa sai phạm mới chính là “chìa khóa” để răn đe, phòng ngừa những vi phạm tiềm tàng, TS. Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

Mới đây nhất, Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành kết luận thanh tra số 39 về việc thanh tra Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, và loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan đến quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, TP. Hà Nội.

Theo đó, nội dung kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng đô thị 2 bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. Việc cấp phép nhồi nhét chung cư cao tầng, vượt tầng, xây dựng sai phép tràn lan, không bố trí đủ đất trồng cây xanh, xây công trình công cộng... là những sai phạm điển hình đã và đang “băm nát” quy hoạch hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, TP Hà Nội.

Trong đó, đáng chú ý là trường hợp của dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang được giao cho Công ty CP tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, trong khi diện tích xây xanh, các công trình hạ tầng xã hội theo quy hoạch đã thiếu so với quy chuẩn tại đồ án Quy hoạch xây dựng, Tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được phê duyệt thì phần diện tích cây xanh (ô 03-CXTP) lại bị “quên” chưa được đầu tư.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, "chìa khóa" để phát triển đô thị bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO