Đó là chia sẻ của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HOREA) với MarketTimes bên lề Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng để thực hiện thành công nhiệm vụ hàng đầu là quy hoạch “mạng lưới đô thị; các đô thị hạt nhân cấp quốc gia, vùng, tỉnh” theo hướng phát triển các “đô thị xanh, thông minh, bản sắc” phù hợp với thực tiễn đất nước thì rất cần thiết phải xem xét sửa đổi Luật Quy hoạch 2017, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 và sớm xây dựng “Đề án Luật quản lý và phát triển đô thị”.
Lý giải cho nhận định trên, Chủ tịch HOREA cho rằng hiện nay, Luật Quy hoạch 2017 đang có 02 vướng mắc lớn đã tồn tại suốt thời gian qua.
Thứ nhất, là vướng mắc xuất phát từ Điều 6 Luật Quy hoạch quy định về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch. Theo đó, Luật quy định quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên; trường hợp quy hoạch cấp dưới có mâu thuẫn với quy hoạch cấp trên thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cấp trên.
Trong khi đó, trên thực tế thì quy hoạch cấp dưới đã có, nhưng lại chưa có đầy đủ các quy hoạch cấp trên, điển hình là chưa có quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…
Thứ hai là vướng mắc xuất phát từ quy định tại Điều 59 Luật Quy hoạch quy định chuyển tiếp lại chưa có quy định xử lý các trường hợp đã có quy hoạch cấp dưới nhưng chưa có quy hoạch cấp trên, cần được quy định bổ sung theo hướng cho phép thực hiện các quy hoạch cấp dưới đến khi có quy hoạch cấp trên thì sẽ cập nhật hoặc điều chỉnh để đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch cấp trên.
Theo ông Lê Hoàng Châu, nhằm tháo gỡ “tạm thời” những vướng mắc nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 đã có Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/08/2019.
Theo đó, Nghị quyết đã giải thích một số điều của Luật Quy hoạch theo hướng “1. Khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 20 được hiểu như sau: Các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời. Quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng giải thích điểm c khoản 1 Điều 59 được hiểu như sau “các quy hoạch nêu tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2019, trong quá trình thực hiện được điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt”.
Từ những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, Chủ tịch HOREA cho rằng cần sớm có giải pháp đồng bộ nhằm thể chế hóa Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển “hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền”.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, trước mắt có 3 nhóm giải pháp cần “nghiên cứu sớm, thực hiện ngay” liên quan đến phát triển đô thị gồm:
Thứ nhất, cần sớm bổ sung nội dung Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 20 và điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch 2017 để xử lý các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.
Thứ hai, đề nghị bổ sung quy định xây dựng “hệ thống đô thị, đô thị thông minh, đô thị hạt nhân cấp quốc gia, cấp vùng liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường” vào Luật Quy hoạch 2017, đồng thời đẩy mạnh công tác “sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đồng bộ các luật đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở…” để thực hiện định hướng của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thứ ba, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với các địa phương để tập trung hoàn thành việc xây dựng “quy hoạch cấp quốc gia” và “quy hoạch vùng” để làm căn cứ xây dựng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp tỉnh và cũng là căn cứ để xây dựng “chiến lược, quy hoạch về phát triển đô thị quốc gia, Chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị và phát triển đô thị” để thực hiện định hướng của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.