Theo báo cáo thị trường trứng gia cầm tại Việt Nam năm 2023 do Vietdata mới công bố cho thấy trong năm 2022, QL VietNam Agroresources - một doanh nghiệp 100% vốn Malaysia ghi nhận mức doanh thu thuần hơn 1.300 tỷ đồng, thành công duy trì mức tăng trưởng gần 36% trong giai đoạn 2020 - 2022.
Với kết quả như trên, doanh thu thuần của QL VietNam trong năm 2022 đã nhỉnh hơn đối thủ lớn nhất trên thị trường là Ba Huân và bỏ xa các công ty khác như Tafa Việt Nam, Vĩnh Thành Đạt, Hòa Phát,…
Về QL Việt Nam, doanh nghiệp có tên đầy đủ là Công ty TNHH QL Vietnam Agroresource. Giới thiệu trên website của mình, QL Việt Nam cho biết là công ty 100% vốn nước ngoài được thành lập vào năm 2008, thuộc tập đoàn QL Malaysia - nhà sản xuất trứng gà lớn nhất Malaysia với sản lượng hơn 3,200,000 trứng/ngày và sản lượng tại Indonesia là 800,000 trứng/ngày.
Với vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng QL Việt Nam đã đầu tư một trang trại chăn nuôi gà kỹ thuật cao, vệ sinh, an toàn và hiện đại bậc nhất Việt Nam, với diện tích 32 ha gần khu vực núi Bà Đen, Tây Ninh. Hiện nay, sản lượng trứng đã đạt hơn 850,000 trứng/ngày và phấn đấu đạt sản lượng 1,000,000 trứng/ngày trong tương lai gần.
Về tình hình kinh doanh, theo Vietdata, với sản phẩm chính là trứng gà tươi và trứng gà tiệt trùng, QL trở thành đối tác chủ yếu của các siêu thị lớn, tiệm bánh mì và một số nhà hàng khách sạn ở Việt Nam. Năm 2022, QL Vietnam ghi nhận mức doanh thu thuần hơn 1.300 tỷ đồng, thành công duy trì mức tăng trưởng gần 36% trong giai đoạn 2020 - 2022.
Trên thị trường trứng gia cầm, “đối trọng” lớn nhất của QL Việt Nam hiện là Công ty CP Ba Huân. Đây là là một thương hiệu khá quen thuộc, chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực trứng gia cầm. Sản phẩm mang thương hiệu Ba Huân đã có mặt tại 3.000 siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc.
Theo các thông tin công bố, đến nay, Ba Huân hiện là đơn vị cung ứng nguyên liệu uy tín cho thương hiệu bánh kẹo quốc dân - Kinh Đô, ngoài ra còn mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp tương tự như Bibica, Đồng Khánh…
Hiện Ba Huân có các cơ sở sản xuất trứng gia cầm các loại đặt tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh (Bình Chánh) và Bến Lức (Long An) với tổng công suất 370.000 quả/giờ, khi hoạt động đối đa có thể sản xuất khoảng 3.2 tỷ quả/năm.
Về tình hình kinh doanh, dữ liệu từ Vietdata cho thấy, giai đoạn 2020 - 2022, doanh thu thuần của công ty Ba Huân tăng trưởng đều, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4%.
Ngoài Ba Huân, trên thị trường trứng gia cầm, Tafa Việt là một trong những nhà sản xuất trứng có tiếng trong nước áp dụng hệ thống trang trại khép kín của Đức, Hà Lan và Nhật Bạn với quy mô hơn 50 ha đặt tại Bình Thuận.
Theo Vietdata, Tafa Việt ghi nhận doanh thu hơn 400 tỷ đồng vào năm 2022, TAFA đạt tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi so với giai đoạn 2020 - 2021.
Trong khi đó, Vĩnh Thành Đạt cũng là doanh nghiệp có truyền thống khi được thành lập từ năm 1996 với trang trại khép kín đầu tiên tại Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có quy mô 5 ha. Sau đó, Vĩnh Thành Đạt tiếp tục mở rộng sang dây chuyền hiện đại, tự động đạt giấy chứng nhận HACCP và ISO 9001:2008 tại Tp. HCM với năng suất 1.5 triệu quả trứng mỗi ngày, tương đương 534 triệu quả mỗi năm.
Về tình hình kinh doanh, theo Vietdata, giai đoạn 2020 - 2021, doanh thu thuần của Vĩnh Thành Đạt đã ghi nhận sự gia tăng trở lại vào cuối năm 2022 với doanh thu thuần đạt hơn 380 tỷ, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài các thương hiệu có phần “truyền thống” trên thị trường trứng gia cầm, một doanh nghiệp trực thuộc “ông lớn” ngành Thép là Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát - một đơn vị thành viên của Tổng Công ty Nông nghiệp Hòa Phát (trực thuộc tập đoàn Hòa Phát hiện đã thực hiện các dự án liên quan đến chăn nuôi gà đẻ trứng giống và sản xuất trứng gà sạch từ năm 2016.