Khi cả thế giới sống dựa vào mì ăn liền qua đại dịch và lạm phát

Băng Băng | 16:14 27/04/2023

Thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền quốc tế (WINA) cho thấy Việt Nam, Hàn Quốc và Nepal là top 3 thị trường tiêu thụ mì ăn liền bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Khi cả thế giới sống dựa vào mì ăn liền qua đại dịch và lạm phát

Theo Yahoo Finance, cả thế giới đang sống dựa vào mì ăn liền qua đại dịch và lạm phát khi doanh số của nhiều hãng trong ngành tăng trưởng mạnh. Mì gói là lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng khi bị cách ly tại nhà ở nhiều nước và món ăn này cũng được tích trữ nhiều nhất trong thời kỳ lạm phát nhờ giá rẻ và có thể sử dụng tiện lợi mọi lúc, mọi nơi.

Ví dụ điển hình là hãng Nissin, chủ thương hiệu Cup Noodle tại Nhật Bản đã có tăng trưởng 9% doanh thu trong năm 2022, đạt mức 1,59 tỷ USD trên toàn cầu. Doanh số bán hàng trong quý IV/2022 của hãng cao hơn 41% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo kết quả kinh doanh của Nissin dự báo doanh thu quý III/2023 của tập đoàn sẽ cao hơn 5,57% so với cùng kỳ năm 2022.

Thậm chí tại những thị trường như Mỹ, Nissin nhận định tốc độ tăng trưởng 32% mỗi năm khi người tiêu dùng nơi đây lựa chọn các sản phẩm có giá phù hợp trong thời buổi lạm phát. Hiện tập đoàn đã mở rộng thêm 15% kênh phân phối của hãng tại Mỹ.

Trong khi đó, báo cáo "Instant Noodles: Global Strategic Business Report" của Research and Markets cho thấy tổng giá trị thị trường mì ăn liền toàn cầu đạt 24,3 tỷ USD năm 2022 và sẽ đạt 33 tỷ USD năm 2030 với mức tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 3,9%.

Đặc biệt, thị trường mì ăn liền Mỹ đã đạt 1 tỷ USD trong năm 2022, cho thấy người Mỹ ngày càng sống dựa vào mì ăn liền nhiều hơn trong thời buổi lạm phát.

Với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, báo cáo ước tính tổng giá trị thị trường mì ăn liền tại đây sẽ đạt 12,1 tỷ USD vào năm 2030 với CAGR 3,3% mỗi năm.

Tại các thị trường như Nhật Bản và Canada, tỷ lệ này tương ứng là 3,1% và 3,6%. Ở Châu Âu, tỷ lệ CAGR thị trường mỳ ăn liền tại Đức là 3,9%.

Theo Yahoo Finance, việc chính phủ các nước nâng lãi suất chống lạm phát đã ảnh hưởng đến thị trường việc làm và xói mòn sức tiêu dùng.

Chính điều này đã khiến mì ăn liền, vốn là loại thực phẩm được tiêu thụ ổn định thứ 2 trong các sản phẩm trên thế giới, ngày càng trở nên quan trọng.

Bên cạnh đó, đà đô thị hóa nhanh cùng áp lực công việc thời lạm phát khiến các đồ ăn nhanh, mì ăn liền trở thành lựa chọn hàng đầu cho giới lao động.

Ở một khía cạnh khác, thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền quốc tế (WINA) cho thấy Việt Nam, Hàn Quốc và Nepal là top 3 thị trường tiêu thụ mì ăn liền bình quân đầu người cao nhất thế giới.

*Nguồn: Yahoo Finance


(0) Bình luận
Khi cả thế giới sống dựa vào mì ăn liền qua đại dịch và lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO