Trước giờ khai mạc kỳ họp, vào 7h15 sáng cùng ngày, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, lúc 8h00, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị. Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Mở đầu Phiên khai mạc, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ quy định của pháp luật, sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, điều kiện đảm bảo, hôm nay (20/10) Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 4.
Phát biểu điều hành phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Phiên Khai mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng Quốc gia và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Trân trọng Kính mời đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc Kỳ họp; đồng thời gửi đến quý vị đại biểu cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, cử tri, Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, từ đầu năm 2022 đến nay, Quốc hội đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ 3 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất; đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, “từ sớm, từ xa” cho Kỳ họp thứ 4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 03 phiên họp thường kỳ, 02 phiên họp chuyên đề và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 2 về công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”; chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội biên tập, xây dựng và gửi tới đại biểu Quốc hội nhiều báo cáo giám sát, báo cáo chuyên đề, tài liệu, tạp chí nghiên cứu chuyên sâu phục vụ thiết thực cho Kỳ họp thứ 4.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, như thường lệ, kỳ họp cuối năm bao giờ cũng có khối lượng công việc rất lớn. Tại phiên họp trù bị, với tinh thần “lấy chất lượng Kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết giảm tối đa thời gian”, các vị đại biểu Quốc hội đã nhất trí rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, dự kiến trong 21 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung quan trọng.
Cụ thể: Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 07 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, gồm: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá. Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến 07 dự án luật khác, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.
Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Quốc hội cũng xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Về quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu Tổng Kiểm toán nhà nước; miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế. Quốc hội cũng tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và xem xét đề xuất của Chính phủ cho gia hạn hiệu lực Nghị quyết này và một số vấn đề quan trọng khác.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tiếp nối và phát huy những thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XIII với những quyết sách quan trọng, cụ thể hóa nhiều nội dung cốt lõi và vấn đề lớn của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kỳ họp lần này phải thể hiện đậm nét, mang ý nghĩa lan tỏa tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng gắn với những quyết sách đúng đắn, sáng suốt cả về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội, kế thừa, phát huy những thành quả, kinh nghiệm đã tích lũy được cùng với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình, mục tiêu đã đề ra và thành công tốt đẹp.
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Bối cảnh, tình hình thế giới năm 2022 có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; tình hình dịch bệnh, thiên tai trên thế giới diễn biến phức tạp... đã làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng cao đột biến[i] trong khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thậm chí đối mặt nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế, đối tác lớn.
Trong nước, việc ban hành kịp thời và triển khai bước đầu có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đã giúp kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng. GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022, nhất là Quý III tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%...
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đồng Việt Nam được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. Công tác đối ngoại chủ động, tích cực, toàn diện, đạt nhiều kết quả quan trọng, việc trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Ước thực hiện cả năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 8%, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo; đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành chủ động, tích cực, linh hoạt và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của Nhân dân, cộng động doanh nghiệp và kết quả tốt đẹp của hội nhập quốc tế...
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là Quý III cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (Quý III/2021, GDP giảm hơn 6%). Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là một trong các chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế không đạt, cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động. Việc hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (đạt 92% dân số) là thách thức lớn, đồng thời là nhiệm vụ cấp bách cần quan tâm.
Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có mặt còn hạn chế; phân bổ vốn chậm, tỷ lệ giải ngân khá thấp. Bên cạnh sự vào cuộc, chung tay tháo gỡ của Quốc hội, Chính phủ đối với xử lý các vướng mắc, yếu kém tích tụ nhiều năm của nền kinh tế, nhưng nhìn chung việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa có chuyển biến thực chất trên thực tế.
Doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại trong 9 tháng tăng cao (38,6% so với cùng kỳ năm 2021). Tuy nhiên, các doanh nghiệp mới chưa đóng góp nhiều cho nền kinh tế trong khi các doanh nghiệp nói chung tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn lưu động, khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao; số lượng và lợi nhuận của đơn hàng xuất khẩu sụt giảm… Công nghiệp hỗ trợ, mức độ liên kết doanh nghiệp nội ngành, liên ngành và liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn nhiều hạn chế. Có ý kiến đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng nhiều cửa hàng xăng, dầu đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán cho khách hàng.
Một số vấn đề khác cần được quan tâm, báo cáo làm rõ như về phát triển kinh tế số; năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam; việc đấu thầu mua sắm tài sản công gây thiệt hại, thất thoát ngân sách Nhà nước; kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận thanh tra, kiểm toán Nhà nước...
Đề cập dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội như đã nêu ở trên; đồng thời bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất: Kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại, đầu tư chính, đánh giá nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát để chủ động có giải pháp điều hành phù hợp; kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước cả từ phía cầu và chi phí đẩy, nhất là tác động do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao trên thế giới. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế, đồng thời thận trọng với rủi ro lạm phát; việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối phải nhất quán. Có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%. Duy trì ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nhất là các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vàng. Lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng; khắc phục, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo.
Thứ hai: Nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả của đầu tư công; phối hợp linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với quy mô phù hợp và chủ động điều chỉnh để phù hợp với tốc độ phục hồi nền kinh tế. Bố trí nguồn lực, điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Quản lý chặt chẽ bội chi NSNN, kiểm soát nợ công.
Thứ ba: Đối với các chính sách an sinh xã hội, nghiên cứu mở rộng đối tượng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức; đơn giản hóa và cụ thể hóa các tiêu chí xác định đối tượng được hưởng trợ cấp. Ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ, giải quyết hậu quả thiên tai, bão lũ, nhất là với các hộ nghèo hoặc hộ gặp hoàn cảnh khó khăn; bằng mọi giải pháp để chăm lo cho người nghèo đón Tết Nguyên đán năm 2023. Đẩy mạnh hơn nữa xây dựng và thực thi nhóm chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, việc làm hiện đại, liên thông, kết nối đi kèm với các giải pháp nhằm chính thức hoá lao động phi chính thức, tăng độ bao phủ an sinh xã hội. Xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện môi trường làm việc, khắc phục sớm tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc.
Thứ tư: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên thế giới để có kịch bản, phương án ứng phó kịp thời. Giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế nhằm chấm dứt tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế đang diễn ra tại nhiều nơi. Thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn về nâng cao năng lực của hệ thống y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện các giải pháp để tiếp tục phục hồi du lịch, đa dạng thị trường khách du lịch, tập trung thu hút khách du lịch quốc tế. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Thứ năm: Coi trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế để khắc phục những khiếm khuyết của các thị trường, qua đó khơi thông, tạo điều kiện cho các thị trường phát triển một cách lành mạnh và bền vững. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã ban hành; chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Xây dựng và triển khai quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ sáu: Tăng cường cơ cấu lại nền kinh tế theo các nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Nghị quyết số 31/2021/QH15. Xây dựng giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để vừa khắc phục những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực, vừa thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng, có giải pháp, chế tài xử lý kịp thời, nghiêm minh và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng; khẩn trương hoàn thiện các định mức kinh tế, kỹ thuật, thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá, điều chỉnh định mức giá cho sát thị trường; xây dựng và công bố các chỉ số giá xây dựng hằng tháng bảo đảm phản ánh mức độ biến động của giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng thực tế tại các công trình xây dựng trên địa bàn, phù hợp với giá thị trường. Thực hiện đồng bộ, kịp thời các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ bảy: Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030. Sớm hoàn thành trình Quốc hội Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia; ban hành kịp thời các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; ban hành Quy hoạch điện VIII để có căn cứ triển khai các dự án điện, tạo năng lực sản xuất trong trung và dài hạn; rà soát để giải quyết các vướng mắc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương.
Thứ tám: Tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển mới thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng theo xu hướng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, tăng cường môi trường thuận lợi và bảo đảm an toàn trong không gian mạng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí các-bon… Đồng thời, cần đánh giá tổng thể về lợi ích đạt được và chi phí mà nền kinh tế phải bỏ ra để xây dựng lộ trình thực hiện cam kết COP26 phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của Việt Nam. Tăng tốc và đẩy mạnh quá trình số hóa và điện tử hóa hoạt động quản lý Nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân. Xây dựng kế hoạch, thực hiện tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.