IQ 200 vẫn lỗ nặng vì chứng khoán: Không phải cứ thông minh là đầu tư giỏi, quan trọng phải biết kỷ luật cảm xúc!

Vũ Anh | 09:15 04/10/2023

Rất khó đưa ra kết luận chính xác về khả năng tạo đáy của thị trường, vậy nên, kỉ luật đầu tư lúc này đóng vai trò vô cùng quan trọng.

IQ 200 vẫn lỗ nặng vì chứng khoán: Không phải cứ thông minh là đầu tư giỏi, quan trọng phải biết kỷ luật cảm xúc!

Thị trường chứng khoán thời gian gần đây khiến không ít nhà đầu tư đau đầu bởi liên tục đảo chiều, bật tăng song lại giảm mạnh trong phiên. Rất khó đưa ra kết luận chính xác về khả năng tạo đáy của thị trường, vậy nên, kỉ luật đầu tư lúc này đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Thực tế, ngay cả những người IQ cao, được cho là thông minh bậc nhất thế giới cũng từng thất bại trên thị trường chứng khoán. Ví dụ điển hình nhất là nhà vật lý học thiên tài Isaac Newton và đại văn hào Mark Twain.

Nhà văn Mark Twain: Lỗ nặng vì đầu tư “nghiệp dư”

Nhà văn Mark Twain nổi tiếng với các tác phẩm như Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, Hoàng tử và Chú bé nghèo khổ, Cuộc sống trên sông Mississippi… Tuy nhiên, thế giới cũng biết đến ông như một nhà đầu tư chứng khoán nghiệp dư, thua lỗ thê thảm với vô số sai lầm.

Sai lầm đầu tiên diễn ra vào năm 1877, Mark Twain có cuộc gặp gỡ với Alexander Graham Bell - đại diện công ty điện thoại Bell Telephone Company. Biết Mark Twain nổi tiếng là một người yêu thích các phát minh mới mẻ, họ ngỏ ý mời ông đầu tư và tin chắc rằng sáng kiến này sẽ mang lại khoản sinh lời rực rỡ. Mark Twain khi ấy, do tinh thần không còn vững vàng sau nhiều lần đầu tư thua lỗ, đã từ chối xuống tiền dù đại diện phía công ty điện thoại kiên trì thuyết phục.

9 năm sau, hàng nghìn chiếc điện thoại đã được lắp đặt ở Mỹ. Đây trở thành một trong những phát minh quan trọng, đồng thời là ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận bậc nhất thời bấy giờ. Mark Twain lúc này chỉ còn tiếc nuối bởi quyết định “giữ chặt tiền” gần chục năm trước. 

Những năm 1880, Mark Twain tiếp tục trải qua vụ thua lỗ kỷ lục. Sai lầm khiến ông mất ít nhất 150.000 USD, tương đương hàng triệu USD ngày nay.

Trong hơn một thập kỷ, nhà văn Twain đầu tư vào chiếc máy in do Paige phát minh. Tuy nhiên, do trì hoãn đưa cỗ máy ra thị trường quá lâu trong khi đối thủ nhanh chân chuẩn bị trước vị thế, ông Paige nhận lại ‘trái đắng’. Mark Twain theo đó lỗ thê thảm từ thương vụ thất bại. 

Sau này, Mark Twain còn đầu tư vào Plasmon, một hãng chiết tách sữa bột, một công ty ròng rọc hơi nước, và một công ty bảo hiểm khởi nghiệp… song cũng đều thua lỗ. Nợ nần chồng chất đã khiến ông tìm đến chứng khoán mong kiếm được vận may. 

Thế nhưng, quyết định mua và bán cổ phiếu sai thời điểm đã khiến đại thi hào phải trả giá. Chẳng hạn, với cổ phiếu Công ty Đường sắt Liên lục địa Oregon, ông mua chúng với giá 78 USD/cổ phiếu và ngậm ngùi bán lại với giá 12 USD. 

Chuỗi thất bại đắng cay sau này được đúc kết bằng câu danh ngôn mà ông mượn miệng nhân vật Wanxon thốt ra trong truyện ngắn “Bi kịch của chàng Wanxon ngốc nghếch”: “Tháng 10, đấy là tháng chơi cổ phiếu nguy hiểm nhất”. 

Isaac Newton - IQ cao không đồng nghĩa với đầu tư sáng suốt 

Isaac Newton, thiên tài với chỉ số IQ cao chót vót 190-200, cũng lỗ nặng vì chứng khoán. Nhắc tới thất bại này, Newton nói: “Tôi có thể tính toán chuyển động của các thiên thể nhưng bất lực trước sự điên rồ của con người”.

Năm ấy, South Sea Co, đơn vị vận tải và thương mại giành được hợp đồng giao thương độc quyền tại Nam Mỹ, vùng biển Caribbean và vùng châu Á – Thái Bình Dương, lên sàn và ngay lập tức trở thành cơn sốt đầu cơ. Issac Newton nằm trong số những người chạy theo cơn sốt này. 

“Mùa xuân năm 1972, Isaac Newton sở hữu cổ phần của công ty South Sea, cổ phiếu nổi tiếng nhất ở London. Thời điểm thị trường hưng phấn, nhà vật lý học đã bán cổ phiếu và thu về 100% lợi nhuận trị giá 7.000 bảng Anh. Vài tháng sau đó, ông quay lại đầu tư vào South Sea với mức giá cao hơn rất nhiều và đã lỗ 20.000 bảng (tương đương 3 triệu USD trong giai đoạn 2002-2003). Suốt quãng đời còn lại, ông ‘cấm mọi người nhắc đến từ South Sea trước mặt mình”, trích một đoạn trong cuốn sách “Nhà đầu tư thông minh”.

Thất bại không phải do ông thiếu tầm nhìn kinh doanh, thông tin hay năng lực kém. Việc chưa hình thành kỷ luật về cảm xúc, dễ bị cuốn theo đám đông, FOMO (sợ bị bỏ lỡ) chính là lý do chính khiến người đàn ông IQ ‘khủng’ này vấp ngã đau đớn.

“Đầu tư thành công không đòi hỏi chỉ số IQ cao chót vót, tầm hiểu biết kinh doanh sâu sắc hay thông tin. Tất cả những gì bạn cần là một trí tuệ sáng suốt để đưa ra quyết định. Bạn phải tự đưa ra kỷ luật cho cảm xúc”, nhà đầu tư thiên tài Warren Buffett nói. 

Như vậy, kiếm tiền ở thị trường chứng khoán không dễ dàng. Đó là thách thức ngay cả đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp và nếu chẳng may sơ sẩy, nhà đầu tư sẽ rất dễ rơi vào trạng thái ‘kẹp hàng’ khi khoản lỗ to tới mức họ khó có thể chấp nhận cắt bán. 

Dẫu vậy, rủi ro và cơ hội luôn song hành. Vẫn có rất nhiều nhà đầu tư thành công trên thị trường chứng khoán và thành quả đó không đến tự sự may mắn hay chạy theo đám đông. 

Chẳng hạn, Eduardo Briceno, người đàn ông với 28.000 USD vốn kiếm được gần 800.000 USD (gần 19 tỷ đồng), tương đương 2.700% lợi nhuận từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2023, cũng từng có lúc mất trắng 8.000 USD tiền tiết kiệm. Sau lần vấp ngã, anh chàng đã quyết tâm trao dồi kiến thức và học thêm về phân tích kỹ thuật để sửa sai. 

“Tôi không được phép mất tiền nữa. Nó phải quay trở lại”, Briceno nói. “Giao dịch để tồn tại sẽ dẫn đến thảm họa. Và đó là sai lầm của tôi. Tôi đã cố gắng giao dịch để trang trải hoá đơn và cuối cùng chấp nhận thua lỗ”.

Chia sẻ với tờ BI, Eduardo Briceno thừa nhận chính những khó khăn ban đầu đã góp phần giúp anh trở nên mạnh mẽ hơn. 

“Tôi thực sự biết ơn quãng thời gian đen tối đó”. Briceno nói.

Theo: BI

Bài liên quan

(0) Bình luận
IQ 200 vẫn lỗ nặng vì chứng khoán: Không phải cứ thông minh là đầu tư giỏi, quan trọng phải biết kỷ luật cảm xúc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO