Hàn Quốc bất ngờ săn lùng mặt hàng này của Việt Nam: tăng hơn 1.000%, thu hơn 72 triệu USD chỉ trong 1 tháng, Campuchia, Philipines cũng mạnh tay gom hàng

Như Quỳnh | 21:40 27/02/2024

Hàn Quốc đã bất ngờ vươn lên trở thành khách hàng lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm ở mặt hàng này.

Hàn Quốc bất ngờ săn lùng mặt hàng này của Việt Nam: tăng hơn 1.000%, thu hơn 72 triệu USD chỉ trong 1 tháng, Campuchia, Philipines cũng mạnh tay gom hàng
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, nước ta đã xuất khẩu 180.221 tấn phân bón và thu về hơn 72 triệu USD, tăng 41,7% về lượng và tăng 14% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu đạt bình quân 404 USD/tấn, giảm 14,5% so với tháng 1/2023.

Trong những năm gần đây, Campuchia luôn là khách hàng lớn nhất của phân bón Việt Nam. Kết thúc năm 2023, thị trường láng giềng đã chi hơn 246 triệu USD để nhập khẩu phân bón Việt Nam, chiếm tỷ trọng 38%. Tuy nhiên bước sang tháng 1 năm nay, Hàn Quốc bất ngờ vươn lên trở thành khách hàng lớn nhất của phân bón Việt Nam.

Cụ thể trong tháng đầu tiên, nước ta xuất sang Hàn Quốc 47.206 tấn phân bón, tương đương với trị giá hơn 19,3 triệu USD, tăng mạnh 984% về lượng và tăng đến 1.074% về trị giá so với tháng 1/2023. Nếu so với tháng trước đó, sản lượng và trị giá cũng tăng mạnh với mức tăng lần lượng là 63% và 61%. Trong cả năm 2023, nước ta xuất sang Hàn Quốc 89.190 tấn phân bón với trị giá hơn 65,4 triệu USD, như vậy sản lượng trong tháng 1 đã vượt quá 1 nửa so với cả năm 2023 cộng lại.

c1.png

Giá xuất khẩu phân bón bình quân sang xứ kim chi đạt bình quân 410 USD/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Campuchia trở thành khách hàng lớn thứ 2 của phân bón Việt Nam với 37.782 tấn, đạt trị giá hơn 16 triệu USD, tăng 13,6% về sản lượng nhưng giảm 2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 425 USD/tấn, giảm mạnh 57,8% về lượng, giảm 58,2% về kim ngạch so với tháng 12/2023. 

c2.png

Thị trường Philippines đứng thứ 3 với 15.558 tấn, tương đương 7,2 triệu USD, tăng 293,3% về lượng và tăng 256,9% về kim ngạch nhưng giảm 9,3% về giá so với tháng 12/2023. 

Phân đạm là mặt hàng phân bón quan trọng nhất thế giới khi chiếm 56% tổng sản lượng tiêu thụ toàn cầu giai đoạn 2015 – 2022. Phân lân và phân kali lần lượt chiếm tỷ trọng 24% và 19% tổng sản lượng tiêu thụ phân bón cùng giai đoạn. Theo dự báo của IFA, công suất phân đạm toàn cầu sẽ tăng trưởng 9%, từ 156,9 triệu tấn năm 2022 lên 170,7 triệu tấn năm 2027. 

Tuy nhiên trong năm 2024, các chuyên gia dự báo nguồn cung phân bón sẽ ngày càng thắt chặt do hai nhà cung cấp lớn của thế giới là Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu. Điều này có thể khiến giá phân bón trong năm 2024 tăng nhẹ so với các năm trước.

Cụ thể, Nga đã gia hạn chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5 để bảo vệ thị trường nội địa trong khi Trung Quốc cũng tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định mức giá. Đây là 2 quốc gia quan trọng đối với ngành phân bón toàn cầu khi Nga chiếm tới 15% sản lượng và Trung Quốc chiếm tới 1/3 nguồn cung phân đạm trên toàn cầu. Vì vậy bất cứ sự cắt giảm lớn nào của khối lượng xuất khẩu từ Trung Quốc đều đe dọa làm căng thẳng nguồn cung và đẩy giá phân bón toàn cầu lên cao.

Tại thị trường trong nước, các chuyên gia dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2024 sẽ tăng chậm so với năm 2023. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn cung, tăng giá phân bón toàn cầu có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường và hoạt động sản xuất trong nước do nguồn phân bón đang được sử dụng ở nước ta chủ yếu là nhập khẩu từ bên ngoài. 


(0) Bình luận
Hàn Quốc bất ngờ săn lùng mặt hàng này của Việt Nam: tăng hơn 1.000%, thu hơn 72 triệu USD chỉ trong 1 tháng, Campuchia, Philipines cũng mạnh tay gom hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO