Hà Nội: Quận có giá trị sản xuất tăng 5.000 lần sau 25 năm thành lập

Xuân Phương | 13:51 28/11/2022

Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của quận Cầu Giấy đạt khoảng 192.340 tỷ đồng. Khi mới thành lập, vào năm 1997, con số này chỉ là 38 tỷ đồng.

Hà Nội: Quận có giá trị sản xuất tăng 5.000 lần sau 25 năm thành lập

Quận Cầu Giấy nằm ở phía tây trung tâm thành phố Hà Nội, có diện tích 12,44 km², dân số năm 2020 là 292.536 người. Quận Cầu Giấy được chính thức thành lập năm 1997. Vốn là một vùng đất ven nội đô với kinh tế nghèo nàn và cơ sở hạ tầng kém, quận Cầu Giấy sau 25 năm đã vươn mình thành một khu vực hiện đại của Hà Nội. 

Năm 1997, tổng giá trị sản xuất của quận chỉ đạt gần 38 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp của Cầu Giấy là 29,1 tỷ đồng, nông nghiệp đạt 8,45 tỷ đồng; tổng giá trị hàng hóa luân chuyển và dịch vụ đạt 120,53 tỷ đồng. Năm 2021, bất chấp dịch bệnh, giá trị sản xuất của quận đạt khoảng 192.340 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 75.011 tỷ đồng, giá trị sản xuất thương mại dịch vụ là 117.329 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị sản xuất của quận đã tăng hơn 5.000 lần. 

Trong 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội quận tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 145.218 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng đạt 58.602 tỷ đồng, tăng 8,35% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ đạt 86.616 tỷ đồng, tăng 10,29% so với cùng kỳ năm 2021. 

Cầu Giấy cũng là nơi có Khu Công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của Hà Nội, nơi tập trung các doanh nghiệp CNTT, đáp ứng nhu cầu phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận. Khu Công nghệ thông tin tập trung nằm trên phố Duy Tân, là nơi những đơn vị lớn như Tập đoàn FPT, CMC, Viettel, Elcom, Misa… đang đặt trụ sở. Trong ảnh là trụ sở tập đoàn FPT.

Thu ngân sách của quận cũng tăng mạnh mẽ qua các năm. Năm 1998, thu ngân sách toàn quận chỉ đạt 35 tỷ đồng. Năm 2007, chỉ sau 10 năm, con số này đã tăng lên gấp 31 lần, đạt 1.100 tỷ đồng. Năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn quận Cầu Giấy đạt 9.480 tỷ đồng, bằng khoảng 130% thu ngân sách năm 2020. 

Khi mới thành lập,Cầu Giấy chỉ có một tuyến đường nhựa thì nay đã có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi ngang qua. Cầu Giấy có đường vành đai 3 nối cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài. Nhiều tuyến giao thông quan trọng đi ngang qua Cầu Giấy như đường Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Mễ Trì, Trần Duy Hưng, Vành đai 3, Trần Thái Tông, vành đai 2,5 và vành đai 2 men theo 2 bờ sông Tô Lịch.

Nhiều dự án đường sắt đô thị đi qua địa bàn quận như  tuyến số 3 (Sơn Tây - Nhổn - Yên Sở), tuyến số 4 (Liên Hà - Bắc Thăng Long), tuyến số 5 (Hồ Tây - An Khánh), tuyến số 8 (An Khánh - Dương Xá), trong đó tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (một phần của tuyến Sơn Tây - Nhổn - Yên Sở) hiện đang được thi công; tuyến số 5 hiện đang được đầu tư xây dựng.

Đi cùng với việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, các khu đô thị mới liên tục mọc lên thay đổi bộ mặt của quận, có thể kể đến: Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Trung Yên, Cầu Giấy, Dịch Vọng, Khu đô thị mới Làng quốc tế Thăng Long. Bên cạnh đó, Cầu Giấy cũng là nơi tập trung hàng chục cơ sở đào tạo, trong đó, có những trường Đại học lớn, tầm quốc gia như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền..

Trên địa bàn quận có 2 công viên là công viên Cầu Giấy, công viên Nghĩa Đô đáp ứng nhu cầu thư giãn, giải trí của người dân, góp phần tạo nên cảnh quan xanh cho thành phố.

Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng phát triển phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của người dân không chỉ trong quận mà các vùng lân cận. Trong ảnh là Vincom Center tại đường Trần Duy Hưng. 

Trên địa bàn quận cũng có nhiều cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Trong ảnh là cảnh điều chế máu ở viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. 

Trên địa bàn quận có nhiều cơ quan nhà nước như: Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng cục Đường bộ, Tổng cục Dân số, Tổng cục Hải quan, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Cục Hàng hải, Cục Đường sông, Cục Đăng kiểm, Sở Công thương Hà nội. Là nơi đặt trụ sở của nhiều công trình thương mại, dịch vụ, hành chính, văn hóa, giáo dục, Cầu Giấy trở thành một địa chỉ hấp dẫn cho các nhà đầu tư và người dân tới sinh sống. 

Bản đồ quận Cầu Giấy


(0) Bình luận
Hà Nội: Quận có giá trị sản xuất tăng 5.000 lần sau 25 năm thành lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO