Hà Nội: Huyện rộng hơn tổng diện tích 12 quận nội thành, định hướng phát triển thành đô thị vệ tinh

Xuân Phương | 08:46 17/11/2022

Sóc Sơn rộng 304,7 km2, lớn hơn diện tích của 12 quận nội thành cộng lại (303,9 km2). Huyện hướng đến mục tiêu năm 2030 trở thành vùng phát triển, đô thị vệ tinh của thủ đô.

Hà Nội: Huyện rộng hơn tổng diện tích 12 quận nội thành, định hướng phát triển thành đô thị vệ tinh

Sóc Sơn là một huyện phía Bắc Hà Nội, cách trung tâm thủ đô 30 km. Sóc Sơn có địa hình phân bậc rõ nét, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, bao gồm: đồi núi, gò đồi thấp và đồng bằng. Bề mặt Sóc Sơn được bao phủ bởi các con sông: sông Công, sông Cà Lồ, sông Cầu. Sóc Sơn được thành lập ngày 5/7/1977, chuyển về Hà Nội từ 29/12/1978. Huyện được đặt theo tên của ngọn núi Sóc nằm trên địa bàn.

02-soc-son-ubnd-huyen.jpg

Huyện Sóc Sơn có diện tích 304,7 km2, dân số 343.432 người, trong đó dân số thành thị chỉ chiếm hơn 1% (4.849 người), theo Tổng điều tra dân số năm 2019. Sóc Sơn có 1 thị trấn và 25 xã. Trong ảnh là trụ sở UBND huyện Sóc Sơn. Theo quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Sơn là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành các khu, cụm công nghiệp sạch, tổ hợp y tế, khu Đại học tập trung. 

03-soc-son-cao-toc-noi-bai.jpg

Là huyện cực Bắc của Hà Nội, địa bàn Sóc Sơn có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua: quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 18, đường Võ Văn Kiệt (nối trung tâm Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài), cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài - Lào Cai. 

04-soc-son-san-bay-noi-bai.jpg

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nằm tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, là cảng hàng không quốc tế lớn nhất miền Bắc. Nằm tại vị trí cửa ngõ thủ đô, sân bay quốc tế Nội Bài có công suất đến năm 2020 là 20 - 25 triệu hành /năm. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, sân bay Nội Bài được định hướng quy hoạch mở rộng, quy mô đến năm 2050 đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. 

05-soc-son-nong-nghiep.jpg

Vốn là một huyện thuần nông nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, khi mới thành lập huyện, nông nghiệp được xác định là "trung tâm kinh tế số một". Đến nay cơ cấu kinh tế địa phương đã chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng (52,06%), dịch vụ (40,99%), nông nghiệp (6,95%).

06-soc-son-cong-nghiep.jpg

Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Sóc Sơn tăng 9,64%/năm. Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của Sóc Sơn vẫn đạt 4,96% (gấp 1,9 lần so với cả nước). Tổng giá trị sản xuất của huyện năm 2021 đạt 18.223 tỷ đồng (so với 2.079,9 tỷ đồng của năm 2000).

07-soc-son-kcn-noi-bai.jpg

Số lượng đơn vị kinh doanh sản xuất trên địa bàn huyện cũng tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Đến tháng 4/2022, có tổng số 2.741 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Sóc Sơn. Năm 2021, thu ngân sách của huyện đạt 1.452 tỷ đồng. Trong ảnh là một góc khu công nghiệp Nội Bài. 

08-soc-son-khu-do-thi.jpg

Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị của nhiều khu vực tại huyện Sóc Sơn. Theo đó, Sóc Sơn sẽ phát triển đồng bộ về hạ tầng, hình thành thêm nhiều công trình thương mại, dịch vụ và các khu ở mới.

09-soc-son-lang-xuan-duong.jpg

Các làng nghề của Sóc Sơn chủ yếu liên quan đến nông nghiệp. Trong ảnh là làng mộc và mây tre đan Xuân Dương, xã Kim Lũ.

11-soc-son-tuong-dai-thanh-giong.jpg

Sóc Sơn có truyền thống lịch sử, văn hóa đáng tự hào. Di tích lịch sử đền Sóc thờ Thánh Gióng, vị thánh có công đánh đuổi giặc Ân. Hội đền Sóc được tổ chức mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công ơn của Thánh Gióng. Tượng đài Thánh Gióng nằm trên đỉnh Vệ Linh (cao 306m) của núi Sóc thuộc xã Phù Linh. Công trình này được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. 

12-soc-son-ho-dong-quan.jpg

Với địa hình đồi núi và đồi núi thấp chiếm chủ yếu, không khí trong lành, nhiều hồ nước, Sóc Sơn trở thành điểm đến du lịch sinh thái, dã ngoại của nhiều người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong ảnh là hồ Đồng Quan nằm dưới chân núi Sóc, hồ lớn nhất huyện Sóc Sơn.

14-soc-son-viet-phu-thanh-chuong_.jpg

Nằm trên diện tích hơn 8.000 ha, Việt Phủ Thành Chương là một bảo tàng nghệ thuật mang đậm hồn Việt. Đây là tâm huyết của họa sĩ Thành Chương, với các công trình kiến trúc, tái hiện dấu ấn lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của ông cha. 

13-soc-son-san-golf.jpg

Lĩnh vực dịch vụ có bước chuyển mình mạnh mẽ. Các cơ sở dịch vụ du lịch được đầu tư phát triển. Trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xây dựng 2 sân golf. Trong ảnh là cổng vào khu vui chơi, giải trí, thể thao - sân golf Legend Hill Golf Resort. 

16-soc-son-thi-tran.jpg

Trong 5 năm từ 2021 - 2025, Sóc Sơn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất bình quân từ 11 - 12%/năm. Cơ cấu kinh tế đến hết năm 2025: Dịch vụ (48%) - Công nghiệp, xây dựng (47%) - Nông, lâm, thủy sản (5%). Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 70 - 75 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách Nhà nước (không kể đấu giá quyền sử dụng đất) tăng bình quân 10 - 12%/năm.

Bản đồ hành chính huyện Sóc Sơn

17-soc-son-ban-do.jpg
Bài liên quan

(0) Bình luận
Hà Nội: Huyện rộng hơn tổng diện tích 12 quận nội thành, định hướng phát triển thành đô thị vệ tinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO