Trong bài phân tích mới đây của VNDirect, công ty chứng khoán này nhận định, lãi suất huy động có xu hướng đi ngang kể từ đầu năm 2023, có thể tiếp tục trong vài tháng tới.
VnDirect cho hay, lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý I và sau đó giảm dần kể từ quý II. Nguyên nhân là do một lượng lớn tiền gửi đã quay lại hệ thống ngân hàng trong quý IV/2022. Cùng với đó là chỉ đạo của chính phủ/Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất huy động/cho vay, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế, và thay đổi về cách tính tỷ lệ LDR có lợi cho các ngân hàng quốc doanh.
Theo khảo sát 35 ngân hàng, từ đầu tháng 3 này, hàng loạt các ngân hàng đã tiến hành điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Hiện tại, chỉ còn khoảng 10 ngân hàng có mức lãi suất huy động trên 9%/năm.
SCB được biết đến là ngân hàng luôn có mức lãi suất cao nhất hệ thống. Tuy nhiên, trong lần điều chỉnh cách đây ít ngày, ngôi vương này đã bị mất. Hiện tại, sản phẩm có lãi suất cao nhất là Tiền gửi online và lĩnh lãi cuối kỳ, các kỳ hạn từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng tiếp tục được áp dụng mức lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 6%/năm.
Các kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh về 9%/năm từ mức 9,5%/năm. Kỳ hạn từ 7 đến 11 tháng đang được SCB áp dụng mức lãi suất 8,9%, kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng là 9%, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng là 8,95%.
Đứng đầu trong huy động lãi suất ở thời điểm hiện tại là Ngân hàng Bản Việt. Mức lãi suất cao nhất đang niêm yết tại ngân hàng này ở mức 9,5%/năm dành cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, nhận lãi cuối kỳ.
SeABank đang huy động cao nhất là kỳ hạn 6 tháng, 9,4%, kỳ hạn 1 - 3 tháng là 6%, các kỳ hạn còn lại là 8,9%.
Kienlongbank kỳ hạn cao nhất là 12 tháng, đạt 9,3%, 9 tháng là 9,2%, 6 tháng là 9,1%.
Một số ngân hàng vẫn duy trì lãi suất trên 9%/năm còn phải kể đến HDBank kỳ hạn 6 tháng, ABBank kỳ hạn 12 tháng, VietBank từ 9,0 - 9,2% cho kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng. BaoVietBank kỳ hạn 12 tháng là 9,0%. Đây cũng là mức niêm yết của VietABank và Oceanbank.
Các ngân hàng khác mức lãi suất từ 1 -3 tháng đa phần là 6%/năm, các kỳ hạn khác dao động từ 8,0 - 8,9%/năm.
Cùng với việc giảm lãi suất huy động, cũng có không ít ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra vào ngày 3/3, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.
4 ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối vốn là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank, mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Các ngân hàng dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5 - 2% so với mức cho vay thông thường của các ngân hàng.