Theo tờ Fortune, chính phủ Hàn Quốc đang lên kế hoạch phát gần 500 USD/tháng tiền mặt cho giới trẻ để thúc đẩy việc ra ngoài xã hội giao tiếp tránh tình trạng ru rú trong nhà hiện nay.
Đây là chương trình của Bộ cân bằng giới tính và gia đình Hàn Quốc (GEF) nhằm chống tình trạng “Hikikomori”, một thuật ngữ đến từ Nhật Bản mô tả giới trẻ ngày nay chỉ ru rú trong nhà, dán mặt vào màn hình vi tính hay điện thoại, chỉ tương tác trên mạng xã hội mà bỏ qua đời thực.
Số liệu của Viện sức khỏe xã hội Hàn Quốc (KIHSA) cho thấy khoảng 350.000 người Hàn Quốc trong độ tuổi 19-39, chiếm 3% tổng dân số đang trong tình trạng sống cô đơn hoặc theo kiểu ẩn dật, không có giao tiếp xã hội.
Bởi vậy với chương trình hỗ trợ mới này, bất cứ bạn trẻ nào từ 9 đến 24 tuổi tại Hàn Quốc có dấu hiệu “Hikikomori” đều sẽ nhận được khoản trợ cấp 650.000 Won, tương đương 490 USD bằng tiền mặt mỗi tháng. Mục đích của chương trình là nhắm đến những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, vốn thường tự ti về bản thân khi giao tiếp ngoài xã hội và tạo nên tình trạng tự cô lập mình.
Khoản trợ cấp này của chính phủ Hàn Quốc đã được lên kế hoạch dự thảo từ tháng 11/2022 và nhằm khuyến khích thanh thiếu niên ra khỏi nhà, đến trường học hay các hoạt động ngoài xã hội để khôi phục lại cuộc sống bình thường, tương tác với mọi người.
Theo kế hoạch, các bạn trẻ sẽ dùng số tiền này để thanh toán chi phí cuộc sống, chi phí học tập hay những trải nghiệm cuộc sống. Thậm chí GEF còn cho biết số tiền này có thể tích cóp để làm phẫu thuật thẩm mỹ cho những bạn trẻ thiếu tự tin về ngoại hình khi giao tiếp xã hội.
Những “ẩn sĩ” Hàn Quốc
Trong một báo cáo của chính phủ công bố ngày 12/4 vừa qua, nhiều “ẩn sĩ” (những bạn trẻ mắc chứng Hikikomori) đã miêu tả về cuộc sống phải chịu đựng cảnh cô đơn trong xã hội như thế nào.
Một bạn trẻ cho biết mình đã phải chịu vấn nạn bạo lực gia đình nghiêm trọng đến mức bắt đầu sống ẩn dật từ năm 15 tuổi.
“Ngay cả khi bạn can đảm ra ngoài đường thì việc giao tiếp bằng mắt với mọi người cũng vô cùng khó khăn”, những ẩn sĩ này cho biết.
Trong khi đó một trường hợp khác mô tả việc khó khăn thích nghi trong trường đại học đến mức bị đuổi học vì nghỉ quá nhiều, qua đó lại càng làm trầm trọng thêm căn bệnh “Hikikomori” này.
Giáo sư Shin Yul của trường đại học Myongji nói với hãng tin Bloomberg rằng chính sách mới này của chính phủ tương đương với một giải pháp phúc lợi xã hội, đồng thời cũng là một nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng dân số hiện nay.
“Mặc dù việc thử nhiều cách khác nhau để tăng dân số trong độ tuổi lao động là một điều tích cực nhưng đây không thể coi là một giải pháp lâu dài khắc phục được vấn đề dân số Hàn Quốc”, giáo sư Shin nhận định.
Hàn Quốc hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có tỷ lệ sinh dưới 1 trẻ trên mỗi phụ nữ. Cụ thể, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của Hàn Quốc chỉ cho ra đời 0,78 trẻ trong suốt cuộc đời mình.
Sự suy giảm mạnh mẽ về tỷ lệ sinh đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại về sự ổn định kinh tế-xã hội Hàn Quốc khi dân số già hóa quá nhanh. Hàng loạt những biện pháp nhưng tăng gấp 3 trợ cấp phúc lợi sinh đẻ hay tổ chức nhiều buổi hẹn hò tập thể tại các trường đại học đã được tung ra nhưng tình hình không khả quan hơn.
*Nguồn: Fortune