Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 của Công ty CP Thép Pomina (Thép Pomina; HoSE: POM) cho thấy, doanh nghiệp sản xuất thép này tiếp tục ghi nhận tình hình kinh doanh bết bát. Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ - doanh thu chính của Thép Pomina chỉ đạt 799 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ. Trong khi, giá vốn bán hàng ở mức 834 tỷ đồng. Đây là quý thứ 4 liên tiếp, Thép Pomina ghi nhận giá vốn bán hàng cao hơn doanh thu thuần.
Kết quả, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Thép Pomina ở mức lỗ 35 tỷ đồng. Trong khi, cùng kỳ năm 2022, doanh nghiệp này lãi hơn 150 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính chỉ đạt mức khiêm tốn 8,8 tỷ đồng; Chi phí lãi vay tăng mạnh lên mức 227 tỷ đồng, tăng 84,5% so với cùng kỳ; Chi phí bán hàng ở mức 2,4 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ; Chi phí quản lý quản lý doanh nghiệp ở mức 65 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ.
Doanh thu thuần “lao dốc”, giá vốn bán hàng cùng chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp … tăng mạnh góp phần khiến Thép Pomina báo lỗ 350 tỷ đồng trong quý 2/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 Thép Pomina báo lỗ “khủng” 537 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 doanh nghiệp sản xuất thép này vẫn báo lãi khiêm tốn ở mức 8,1 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh bết bát, báo lỗ triền miên khiến tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Thép Pomina tiếp tục “lao dốc”. Tính đến hết ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Thép Pomina là 10.817 tỷ đồng, giảm hơn 34% so với cùng kỳ; Vốn chủ sở hữu chỉ còn ở mức 2.077 tỷ đồng, giảm 43,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh tài chính quý 2/2023 của Thép Pomina là nợ phải trả của doanh nghệp này ở mức 8.739 tỷ đồng, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 5.200 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của Thép Pomina là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) với khoản nợ vay 3.129 tỷ đồng. Gồm khoản vay 488 tỷ đồng tại Vietinbank và khoản vay 2.640 tỷ đồng tại Vietinbank – CN TP.HCM.
Chủ nợ lớn thứ 2 của Thép Pomina là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – CN TP.HCM (BIDV) với khoản 1.604 tỷ đồng.
Thép Pomina đang có khoản nợ vay 191 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) và khoản vay hơn 114 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Cùng với đó, Thép Pomina đang có khoản nợ dài hạn đến hạn trả là 160 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, bất chấp tình hình kinh doanh bết bát của doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu POM vẫn tăng trưởng tích cực. Cụ thể, kết phiên sáng 17/8, mã cổ phiếu POM ở ngưỡng 7.800 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với phiên trước đó. Đây cũng là ngưỡng giá cao nhất của mã cổ phiếu POM kể từ tháng 10/2022 tới nay.
Cổ phiếu POM liên tục bị cảnh báo.
Cụ thể, ngoài việc cảnh báo do chậm tổ chức ĐHĐCĐ 2023 thì trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã đưa cổ phiếu POM vào diện cảnh báo kể từ ngày 12/05/2023, do Công ty có lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2022 hơn 444 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất thép này cũng chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với quy định.