Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ yếu, đà giảm của giá thép xây dựng trong nước vẫn chưa có điểm dừng. Sau 16 lần điều chỉnh liên tiếp, giá bán thép nội địa đã về mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị trường thép trong nước được đánh giá là sẽ tiếp tục khó khăn trong ngắn hạn. Ngoài yếu tố về nhu cầu, giá thép giảm còn do các doanh nghiệp phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MBS cho rằng nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh đến từ khó khăn của hoạt động xây dựng dân dụng (chiếm 70% sản lượng tiêu thụ). Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn suy giảm kể từ cuối quý 2/2022 sau chu kỳ tăng trưởng từ 2017 – nửa đầu 2022.
Tuy nhiên, theo MBS, mức chênh lệch 60 USD/tấn giữa thép Việt Nam và thép Trung Quốc sẽ không gây thêm áp lực giảm giá bán đối với các doanh nghiệp trong nước. Do đó, CTCK này dự phóng giá thép xây dựng trong nước có thể sẽ duy trì quanh mức 14.300-14.500 triệu đồng/tấn đến cuối năm 2023.
Tại thị trường thế giới, giá thép cũng đã quay đầu giảm và đang có xu hướng giảm về vùng đáy 3 năm. Giá thép Trung Quốc hiện tại đã giảm về mức đáy T11/2022 khi thép xây dựng giảm 15% so với đầu năm, đạt mức 530 USD/tấn. Thị trường bất động sản nước này vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh khi doanh số bán nhà tiếp tục suy giảm 33% trong tháng 7.
Dù vậy, với việc Chính phủ Trung Quốc đã quyết định gia hạn chính sách “16 điểm giải cứu thị trường bất động sản” đến cuối năm 2024 và chỉ số hàng tồn kho trong quý 2 của các nhà sản xuất thép nước này đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, Steelhome cho rằng giá thép xây dựng Trung Quốc sẽ duy trì quanh mức 530-540 USD/tấn trong nửa cuối năm nay.
Khó cán đích lợi nhuận?
Nhu cầu tiêu thụ yếu, sản lượng bán các mặt hàng thép của Hòa Phát cũng hồi phục khá chậm. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép của tập đoàn trong tháng 7 đạt 555.000 tấn, dù tăng 3% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn chưa bằng mức sản lượng bán tháng 12 năm ngoái.
Giá bán giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ hồi phục chậm khiến kết quả kinh doanh của Hòa Phát tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 2, tập đoàn ghi nhận doanh thu 29.800 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.448 tỷ đồng, dù gấp 3,8 lần quý đầu năm nhưng vẫn giảm 64% so với quý 2 năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 56.665 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.830 tỷ đồng, lần lượt giảm 30% và 85% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, tập đoàn mới thực hiện 38% kế hoạch doanh thu (150.000 tỷ) và chưa đến 1/4 mục tiêu lợi nhuận (8.000 tỷ) cả năm đề ra.
Với dự báo giá thép sẽ duy trì ở nền thấp, MBS dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát năm 2023 đạt lần lượt 117.939 tỷ và 5.594 tỷ đồng, tương ứng giảm 16% và 37% so với năm trước. Nếu dự báo của CTCK này chính xác, doanh nghiệp đầu ngành thép sẽ không kịp về đích lợi nhuận trong năm nay.
Tuy nhiên, nhờ chi phí đầu vào giảm, MBS cho rằng biên lãi gộp của Hòa Phát có thể sẽ cải thiện trong 2 quý cuối năm, dự kiến ở mức 12% so với 11,6% trong quý 2 vừa qua. CTCK này dự báo giá nguyên vật liệu sẽ duy trì ở mức thấp trong nửa cuối năm. Giá quặng sắt sẽ ở mức 110 USD/tấn và giá than đạt 230 USD/tấn, lần lượt giảm 20% và 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của VN hiện nay ở mức 95 tỷ USD, cao hơn 6 tỷ so với cuối năm 2022. Dữ trự ngoại hối dồi dào được đánh giá sẽ giúp tỷ giá USD/VND có thể duy trì quanh mức 23.900 trong nửa cuối năm. Theo MBS, biến động tỷ giá khoảng 3% giúp Hòa Phát chỉ còn lỗ tỷ giá khoảng 1.100 tỷ đồng trong năm nay, giảm đến 73% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong một thông tin liên quan khác được đưa ra trong báo cáo mới đây của SSI Research, sau khi hoạt động đủ 7 lò cao từ đầu quý 3, Hòa Phát sẽ tạm dừng lò cao số 3 tại tổ hợp Hải Dương - có công suất 1,2 triệu tấn/năm (14% tổng công suất), trong vòng 3 tháng bắt đầu từ tháng 9, để bảo trì định kỳ.