Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn trơn hiện được niêm yết ở mức 88,18-89,18 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI cũng đã điều chỉnh về 88,0-89,0 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Công ty SJC và PNJ lần lượt giao dịch với giá 87,4-89,0 triệu đồng/lượng và 88,0-89,15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC không thay đổi, được niêm yết 87,5-89,5 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay hiện ở mức 2.736 USD/ounce, tương đương với khoảng 84 triệu đồng/lượng, chưa bao gồm thuế, phí.
Giá vàng trong tuần qua ghi nhận một đợt tăng trưởng mới, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, trước khi trải qua đợt bán tháo mạnh vào sáng thứ Năm do dữ liệu kinh tế Mỹ yếu kém. Vào sáng thứ Năm (giờ Mỹ), dữ liệu lạm phát lõi PCE đã khiến giá vàng giảm mạnh xuống còn 2.734 USD/ounce, dù sau đó giá cố gắng phục hồi nhưng không vượt qua ngưỡng kháng cự 2.755 USD/ounce.
Sáng thứ Sáu, báo cáo việc làm yếu kém của Mỹ cũng không thúc đẩy vàng tăng mạnh như mong đợi, với số liệu thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Điều này khiến giá vàng tiếp tục dao động quanh ngưỡng 2.740 USD đến cuối tuần.
Theo khảo sát của Kitco News, triển vọng tăng giá của vàng trong tuần tới giảm nhẹ do bất ổn bầu cử và cuộc họp của các ngân hàng trung ương. Colin Cieszynski từ SIA Wealth Management cho rằng vàng có khả năng bước vào giai đoạn tích lũy nhưng xu hướng dài hạn vẫn tích cực. Marc Chandler từ Bannockburn Global Forex cho biết mức hỗ trợ gần 2.730 USD và nếu phá ngưỡng 2.700 USD có thể gây áp lực giảm giá.
Một số chuyên gia như Adrian Day và Rich Checkan vẫn kỳ vọng vàng tăng do các yếu tố như giảm lãi suất và bất ổn bầu cử Mỹ. Ngược lại, Darin Newsom từ Barchart.com và Michael Moor từ Moor Analytics lại cho rằng khả năng điều chỉnh đang đến gần. Nhiều người khuyên nên thận trọng trước bầu cử và cuộc họp FOMC tuần tới, bởi kết quả có thể ảnh hưởng lớn đến giá vàng và thị trường tài chính.
Trong tuần tới, ngoài bầu cử Mỹ, các quyết định chính sách từ Ngân hàng Dự trữ Úc và Ngân hàng Anh sẽ là tâm điểm, cùng với các báo cáo kinh tế quan trọng của Mỹ.