Giá vàng SJC cao, khách hàng chuyển hướng mua vàng thương hiệu khác tích trữ

Phạm Minh | 23:39 14/07/2022

Thay vì mua vàng miếng SJC với giá cao ngất ngưởng, khách hàng đang chuyển sang mua vàng miếng và nhẫn tròn trơn 9999 của các thương hiệu khác. Sự chênh lệch mức giá này Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải do thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế.

Giá vàng SJC cao, khách hàng chuyển hướng mua vàng thương hiệu khác tích trữ
Giá vàng trong nước và quốc tế vẫn chênh lệch khá lớn. (Ảnh: Int)

Cùng hàm lượng mức giá khác nhau

Khảo sát giá vàng ngày 14/7 niêm yết tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long (vàng miếng và nhẫn tròn trơn) có hàm lượng 9999, giá 52,280 - 52,980 triệu/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng Bảo Tín Minh Châu, vàng trang sức hàm lượng 9999, giá 51,850 - 52,750 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi đó, vàng miếng SJC hàm lượng 9999 giá 67,660 - 68,240 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Chị Trần Thanh Xuân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị có thói quen tích trữ vàng, hàng tháng tiết kiệm được khoản nho nhỏ dành mua nửa chỉ hoặc 1 chỉ vàng. Trước đó hồi năm 2020, chị thường mua vàng SJC, vì khi đó giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch 2,5-3 triệu đồng/lượng. Nhưng từ năm 2021, giá vàng SJC trong nước chênh lệch từ 10 -19 triệu đồng/lượng chị đã chuyển sang mua vàng 9999 Bảo Tín Minh Châu hoặc vàng rồng Thăng Long.

“Tôi đã tham khảo nhiều nơi, được biết hàm lượng vàng 9999 đều như nhau, nên tôi đã quyết định mua của các thương hiệu khác tích trữ thay vì mua SJC. Nếu có việc cần tôi vẫn có thể ra đúng cửa hàng thương hiệu đó bán”, chị Xuân nói.

Một quản lý bán hàng của Bảo Tín Minh Châu trên đường Cầu Giấy cũng cho hay, thời gian gần đây, giá vàng SJC trong nước và quốc tế có sự chênh lệch lớn nên nhiều khách hàng đã chuyển sang vàng miếng và nhẫn tròn trơn của các thương hiệu khác tích trữ.

Thậm chí có một số người tranh thủ lúc vàng SJC tăng 73 triệu đồng/lượng bán đi để mua vàng miếng và vàng nhẫn tròn trơn 9999 của các thương hiệu khác. Sự chênh lệch cũng lên đến 15-16 triệu đồng/lượng giữa hai thương hiệu vàng.

Trong 6 tháng đầu năm2022, thị trường vàng trong nước có nhiều biến động khi từ mốc 60,8 – 61,8 triệu đồng/lượng (giá mua – bán ra) kết phiên giao dịch ngày 31/12/2021) có thời điểm tăng vọt lên tận 74 triệu đồng/lượng rồi quay đầu giảm.

Chốt phiên 13/7, giá bán vàng miếng SJC ở mức 68,2 - 67,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Cùng thời điểm giá vàng thế giới ở mức 1.729,6 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng tương đương 49 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới đến 19,2 triệu đồng/lượng.

Sự vênh có bất hợp lý?

Sự sụt giảm giá vàng quốc tế và vàng trong nước mấy hôm vừa qua cũng là nỗi lo đối với một số người dân, khi thời điểm giá vàng 69,52 triệu đồng/lượng đã mua vào kỳ vọng lên giá, thì nay vàng SJC lại quay đầu giảm giá, trong khi đó giá vàng 9999 của các thương hiệu khác gần như biến động rất ít.

Chấp nhận, nhiều khách hàng mua giá 69,52 nay đã bán giá 67,6 triệu đồng/lượng cắt lỗ, chuyển sang mua vàng thương hiệu khác, phòng ngừa giá vàng thế giới tiếp tục hạ.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ mới đây chia sẻ với báo chí cũng khẳng định, vàng SJC cao hơn quốc tế 19 triệu đồng/lượng, tương ứng 670 USD/ounce, một mức vênh khá “kỳ cục”.

Sở dĩ nói “kỳ cục” vì lẽ ra giá trong nước cao thì người có vàng phải bán ra để hưởng lợi, ngược lại chẳng có ai bán vàng. Thậm chí, mấy hôm nay, một số người bán vàng miếng SJC để mua vàng nữ trang cất trữ nhằm hưởng lợi bởi giá vàng nữ trang cùng chất lượng 9999 nhưng chỉ 52 - 53 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 15 - 16 triệu đồng/lượng”, ông Hải nói.

Một chuyên gia vàng cho biết, cả hai loại vàng nhẫn và vàng miếng đều có hàm lượng vàng như nhau nhưng sự chênh lệch giá cao như vậy có nhiều lý do.

Cụ thể, kể từ khi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, vàng miếng được Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất. Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. “Chính vì độc quyền sản xuất, mang thương hiệu và tiêu chuẩn quốc gia nên vàng miếng SJC luôn có giá cao hơn vàng nhẫn”, chuyên gia lý giải.

Ngoài ra, từ khi áp dụng Nghị định 24 quy định chỉ có Nhà nước mới được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do không có doanh nghiệp nào được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức và các sản phẩm từ vàng nên phải đi mua vét khắp nơi trong nước với giá cao, thậm chí chủ động mua vàng từ SJC để làm nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, người dân lại đang có xu hướng tích trữ vàng miếng SJC hơn là vàng nhẫn và vàng miếng các thương hiệu khác, khiến nguồn cung không còn nhiều.

Các nguyên nhân trên dẫn đến vàng miếng SJC luôn cao hơn vàng nữ trang và cũng dẫn đến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng, giá vàng trong nước không còn liên thông với thị trường thế giới. Vào khoảng tháng 6-7/2020, giá vàng SJC chỉ cao hơn giá vàng thế giới từ 1-2,5 triệu đồng/lượng nhưng hiện nay đã lên đến gần 20 triệu đồng/lượng, một khoảng cách chênh lệch chưa từng có.

Chính sự chênh lệch quá lớn trên đã kích thích người dân chuyển sang mua vàng nhẫn trong những ngày gần đây. Thậm chí, nhiều tiệm vàng cũng tranh thủ gom vàng nguyên liệu để làm vàng nữ trang, mỹ nghệ...

Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp do tiêu thụ ít

Trước đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, một số đại biểu nêu ý kiến chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về diễn biến không bình thường của thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước. Trong đó, từ năm 2022 đến nay đã thể hiện thị trường này có rất nhiều điểm bất ổn và bất hợp lý, khi chênh lệch giữa giá vàng tại Việt Nam quá cao so với giá vàng trên thị trường thế giới, có lúc lên đến trên 20 triệu đồng/lượng, hay chênh lệch quá khắc nghiệt giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng trang sức SJC cùng hàm lượng hoặc với giá vàng miếng của các thương hiệu khác.

Thậm chí một số đại biểu đã đặt vấn đề liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không? Đồng thời, đến thời điểm nào Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi nghị định 24 năm 2012 để có thể xử lý căn cơ các vấn đề bất cập của hoạt động kinh doanh vàng trong thời gian qua.

Trả lời câu hỏi chất vấn của một số Đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, ở trong nước, giá vàng có cùng xu hướng với giá vàng của thế giới nhưng tốc độ điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước nhanh hơn và tốc độ điều chỉnh giá vàng xuống lại chậm hơn giá vàng của thế giới.

Theo bà Hồng, giá vàng của các thương hiệu ngoài SJC, tức vàng nguyên liệu, về cơ bản chênh lệch giá trong nước và thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng. Nhưng riêng giá vàng SJC tăng ở mức lớn, có lúc khoảng 16 - 17 triệu đồng/lượng.

Về nguyên nhân, do thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế nên từ năm 2012 thực hiện nghị định 24 và đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng.

Bên cạnh đó, SJC là một thương hiệu vàng mà người dân ưa chuộng hơn, vì thế họ niêm yết giá cao. Trên thực tế theo dõi giá vàng niêm yết, giá vàng mua và giá vàng bán của các tổ chức về cơ bản chênh nhau khoảng 1 triệu hoặc 1,5 triệu đồng/lượng.

Thống đốc cũng chỉ rõ, SJC mua cao bán cao và các thương hiệu vàng khác mua thấp lại bán thấp. Với vai trò quản lý nhà nước về vấn đề vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để can thiệp nếu cần thiết.

“Theo số liệu cập nhật được thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp”, bà Hồng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giá vàng SJC cao, khách hàng chuyển hướng mua vàng thương hiệu khác tích trữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO