Giá tới 2 tỷ USD, “bóng ma bầu trời” Mỹ dùng ném bom đồng minh Iran có gì đặc biệt?

Thiên Lộc | 10:20 18/10/2024

Có đơn giá ước tính 2 tỷ USD/chiếc, máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit của Mỹ không chỉ sở hữu uy lực vô song mà còn nổi tiếng “đỏng đảnh” bởi chi phí vận hành siêu đắt đỏ.

Giá tới 2 tỷ USD, “bóng ma bầu trời” Mỹ dùng ném bom đồng minh Iran có gì đặc biệt?

Hôm 16/10, Không quân Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit, còn được biết tới với biệt danh “bóng ma bầu trời”, dội bom lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen. Sự góp mặt của những chiếc B-2 phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận của quân đội Mỹ với xung đột ở Yemen, nơi trước đây họ chỉ dùng các máy bay chiến thuật để tấn công các mục tiêu của Houthi.

Có giá lên tới 2 tỷ USD/chiếc, B-2 khiến chính người Mỹ cũng phải "kêu trời" vì quá… đắt. Dù nó tăng cường sức mạnh bộ ba hạt nhân của Mỹ khi được thiết kế để thọc sâu vào trong lòng địch nhưng lợi ích của nó đang bị đặt lên bàn cân so với hệ thống tên lửa đạn đạo (ICBM) và các tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

B-2 là máy bay ném bom tàng hình đầu tiên trên thế giới. Thiết kế của nó hoàn toàn khác biệt so với các loại máy bay truyền thống. Tuy nhiên, điểm khiến nó nổi bật là khả năng tàng hình ưu việt cùng với chi phí “đắt cắt cổ”. Khi cất cánh lần đầu trong những năm 1990, B-2 có giá khoảng 1 tỷ USD/chiếc. Điều chỉnh theo lạm phát, giá của chúng tương đương 2 tỷ USD ở thời điểm hiện tại. Đây là mức giá không thể chấp nhận nổi cho một chiếc máy bay đơn lẻ.

usaf.jpg

Để so sánh, F-22 Raptor, mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới, có giá 350 triệu USD. Một chiếc C-17 Globemaster, máy bay vận tải hàng đầu của Mỹ, cũng chỉ có giá 340 triệu USD trong khi mẫu máy bay săn ngầm P-8 Poseidon có giá 290 triệu USD. F-35 thì còn rẻ hơn nhiều khi chỉ có giá 115 triệu USD/chiếc.

Ngay cả chiếc Không lực 1, vốn được thiết kế để chuyên chở Tổng thống Mỹ, cũng chỉ có giá 660 triệu USD. Như vậy, với số tiền chi cho 1 chiếc B-2, người Mỹ có khả năng mua tới 4 chiếc Không lực 1, 6 chiếc F-22, 17 chiếc F-35. Thậm chí, giá 1 chiếc “bóng ma bầu trời” còn bằng phân nửa so với chi phí đóng 1 chiếc tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz, vốn có sức chứa 5.000 thủy thủ đoàn cùng 100 máy bay các loại.

Dù ra đời với nhiệm vụ ném bom hạt nhân chiến lược nhưng chủ yếu người Mỹ lại sử dụng B-2 để thực hiện các nhiệm vụ ném bom rải thảm ở chiếc trường Trung Đông. Các đối thủ mà B-2 nhắm tới thường không có năng lực phòng không đáng kể, khiến nhiệm vụ của chúng chẳng khác nào “đi dạo”. Vậy với giá 2 tỷ USD/chiếc, lợi ích mà B-2 mang lại liệu có xứng đáng? Theo National Interest, câu trả lời có lẽ là không.

b2-3-chay.png

Đó là chưa kể tới việc vận hành những chiếc B-2 này cũng vô cùng tốn kém. Với lớp vỏ cực kỳ nhạy cảm, B-2 chỉ có thể hoạt động khi điều kiện thời tiết thuận lợi nhất. Nhà chứa của chúng cũng cần điều hòa nhiệt độ và kiểm soát độ ẩm. Chưa kể, mẫu máy bay này cần đại tu 7 năm/lần với chi phí khoảng 60 triệu USD. Thời gian đại tu kéo dài 1 năm. Chưa kể, mỗi giờ bay trên không, chiếc B-2 sẽ cần tới 50-60 giờ trên mặt đất để bảo trì, bảo dưỡng.

Dù tên tuổi lẫy lừng nhưng không quân Mỹ chỉ đặt mua 21 chiếc B-2. Sau sự cố nghiêm trọng năm 2008 khiến 1 chiếc bị phá hủy, Không quân Mỹ cũng đã loại biên thêm 1 chiếc nên đội bay này giờ chỉ còn 19 chiếc. Các nguồn thạo tin cho biết một mẫu máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới đang được phát triển để thay thế những chiếc “bóng ma bầu trời” này.

Nguồn: Tổng hợp


(0) Bình luận
Giá tới 2 tỷ USD, “bóng ma bầu trời” Mỹ dùng ném bom đồng minh Iran có gì đặc biệt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO