Giá điện tại Việt Nam: Lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ

Minh Phạm | 19:21 03/02/2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giá điện của Việt Nam không thể giống các nước phát triển. Cần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; đồng thời cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Giá điện tại Việt Nam: Lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ
Thủ tướng cho rằng giá điện tại Việt Nam không thể giống các nước phát triển. (Ảnh: VGP)

Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 3/2, sau khi nghe Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo về hoạt động của ngành công thương, những khó khăn thuận lợi của ngành này, Thủ tướng PhạmMinh Chính đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung cho 4 quy hoạch ngành được giao chủ trì gồm: Quy hoạch Điện lực quốc gia; Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng quốc gia; Quy hoạch Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

Theo Thủ tướng, đây đều là các quy hoạch ngành rất quan trọng và rất khó, nhất là Quy hoạch Điện lực quốc gia và Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng quốc gia. Cho đến nay, các quy hoạch này đã được hoàn thành và đang trong giai đoạn thẩm định để phê duyệt theo quy định.

“Quy hoạch vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa phải bảo đảm chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển đúng hướng, mang lại lợi ích cho người dân và đất nước. Tiến độ rất cần nhưng cần hơn nữa là chất lượng quy hoạch, nhất là Quy hoạch Điện VIII”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích 5 vấn đề liên quan tới điện gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện. Trong đó, nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. Đặc biệt là tiềm năng điện gió, điện mặt trời; tải điện phải tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có tải; phân phối điện phù hợp với điều kiện đất nước và từng khu vực; sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm; giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt khung giá điện bán lẻ bình quân làm căn cứ cho việc điều hành giá và huy động các nguồn điện, kể cả việc nhập khẩu điện từ Lào.

Thủ tướng cho rằng, giá điện của Việt Nam không thể giống các nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Cần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Trước đó tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, trả lời báo chí về việc xem xét lộ trình điều chỉnh giá điện, về việc điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm. Do giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân nên tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.

“Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”, Thứ trưởng Công Thương nói.

Hiện giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam là 1.864,44 đồng một kWh (tương đương 0,08 USD/kWh), duy trì từ tháng 3/2019 đến nay.

Theo kết quả kinh doanh của EVN, con số lỗ ước tính trong năm 2022 là 31.360 tỉ đồng, mức lỗ kỷ lục của tập đoàn này đã gây áp lực không nhỏ lên tình hình tài chính của ngành điện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giá điện tại Việt Nam: Lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO