Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3/1, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị tăng giá điện và đề xuất phương án.
Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý phương án đề xuất của EVN theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện trên cơ sở đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, đầy đủ tác động đến lạm phát và đặc biệt là đời sống người dân đang còn gặp nhiều khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh vừa qua và trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường trong thời điểm hiện nay.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương sẽ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định để việc điều chỉnh giá điện hợp lý, hạn chế tác động ở mức thấp nhất đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân khi điều chỉnh.
"Chúng tôi sẽ tính toán kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền về lộ trình, phương án tăng giá điện sau rà soát, đảm bảo tác động nhỏ nhất tới các đối tượng chịu tác động khi điều chỉnh giá", ông Hải khẳng định.
Đề xuất tăng giá điện của EVN đưa ra, chủ yếu do các chi phí đầu vào sản xuất điện tăng vọt, khiến tập đoàn này ghi nhận lỗ hơn 31.000 tỷ đồng năm 2022.
"Chi phí sản xuất điện và mua điện đã tăng cao so với dự kiến đầu năm", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận.
Cũng theo lời Thứ trưởng, trong giai đoạn vừa qua, thế giới chứng kiến sự biến động khó lường của giá năng lượng, giá điện tăng cao ở nhiều nước trên thế giới, một số quốc gia đã phải cắt giảm điện luân phiên. Bên cạnh đó, tác động cộng hưởng của căng thẳng địa chính trị tại châu Âu, biến động tỷ giá giữa đồng USD và nhiều đồng tiền khác, áp lực của lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh điện nói riêng và chi phí sản xuất kinh doanh nói chung trên toàn cầu, đã tác động mạnh làm giá điện tăng cao ở nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, tại một số quốc gia, giá điện đã tăng gấp nhiều lần.
Tại Việt Nam, giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy bình quân 10 tháng trong năm 2022 đã tăng hơn 150% so với bình quân năm 2021. Giá than trộn (than sản xuất trong nước trộn với than nhập khẩu) đến hết quý III/2022 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đã tăng so với đầu năm hơn 50%.
Tại Quyết định 24 quy định cơ chế điều chỉnh giá điện trong năm, hàng quý EVN cập nhật chi phí phát điện của quý trước liền kề, dự kiến thông số đầu vào khâu phát điện của các quý còn lại trong năm... để tính toán giá bán lẻ điện bình quân. Nếu thông số đầu vào của khâu phát điện làm giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% trở lên thì giá điện được điều chỉnh tăng, và ngược lại giá sẽ giảm.
Như vậy, quy định hiện hành đã có cơ chế đảm bảo giá điện theo sát với giá đầu vào, đảm bảo phản ánh biến động giá trên thị trường vào giá bán lẻ điện bình quân.
Tuy nhiên, giá điện có đặc trưng khác với giá xăng dầu. Chi phí sản xuất kinh doanh điện có sự phụ thuộc cao vào các mùa trong năm là mùa mưa và mùa khô.
Vào giai đoạn mùa mưa, lượng nước về các hồ thủy điện nhiều, các nhà máy thủy điện (có chi phí phát điện thấp) được huy động điều độ phát nhiều, dẫn đến tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện thấp hơn so với trong mùa khô khi phải huy động nhiều hơn các nguồn nhiệt điện có giá đắt hơn do nhà máy thủy điện không có đủ lượng nước để phát nhiều, đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và nhu cầu của người dân.
Theo Quyết định 24 quy định, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu 6 tháng từ lần điều chỉnh gần nhất. Việc này nhằm phản ánh khách quan những biến động chi phí sản xuất. Gần nhất, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh ngày 20/3/2019, tức gần 4 năm chưa điều chỉnh giá điện.