Phiên sáng nay, dầu WTI của Mỹ giao tháng 3, giảm nhẹ 18 cent xuống mức 76,16 USD/thùng, dầu Brent giao tháng 4 giảm 1,02 USD xuống mức 83,05 USD/thùng.
Kết thúc phiên hôm qua (21/2), dầu WTI tăng 0,77 USD/thùng lên mức 77,11 USD/thùng; dầu Brent tăng 1,07 USD/thùng lên mức 84,07 USD/thùng.
Thời điểm đầu phiên giao dịch, giá dầu đã tiếp đà tăng của phiên trước.
Giá dầu Brent chuyển biến tích cực trong thời gian ngắn sau khi các cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh tốt hơn mong đợi ở châu Âu và Anh cho thấy triển vọng kinh tế châu Âu ít ảm đạm hơn so với lo ngại trước đây.
Trước đó, trong phiên đầu tiên của tuần, giá dầu tăng hơn 1% do lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc mà các nhà phân tích kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm nay sau khi các hạn chế về dịch Covid-19 được dỡ bỏ.
Theo Reuters, Nga có kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng, vào tháng 3 sau khi phương Tây áp đặt giá trần đối với dầu và các sản phẩm dầu của Nga.
"Việc cắt giảm sẽ chỉ áp dụng cho sản lượng tháng 3", Reuters dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak.
Hiện tại, Nga là thành viên của OPEC+. Tháng 10 năm ngoái, nhóm đã đồng ý cắt giảm mục tiêu sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11-2022 cho đến hết năm 2023.
Trọng tâm trên thị trường hôm nay sẽ tập trung vào việc công bố biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sau khi dữ liệu gần đây làm dấy lên lo ngại Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay được áp dụng theo phiên điều hành ngày 21/2 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Giá xăng E5 RON 92 không quá 22.542 đồng/lít, xăng RON 95 23.443 đồng/lít, dầu diesel 20.806 đồng/lít, dầu hỏa 20.846 đồng/lít, dầu mazut 14.251 đồng/kg.