Đó là lĩnh vực vận tải biển, logistics.
Sáng 25/11 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Đan Mạch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tới thăm và làm việc tại trụ sở của Tập đoàn AP Moller Maersk (Maersk). Đây được coi là doanh nghiệp vận tải biển, logistics hàng đầu thế giới.
Tại cuộc làm việc, ông Vincent Clerc, Giám đốc điều hành Tập đoàn Maersk cho biết, chuyến tàu đầu tiên của tập đoàn đã cập cảng của Việt Nam vào năm 1923. Tiếp nối truyền thống hơn 100 năm qua, Tập đoàn Maersk tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực vận tải biển của Việt Nam.
Ông Vincent Clerc cho biết, tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch nhìn thấy nhiều tiềm năng, cơ hội lớn tại Việt Nam, đồng thời mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Việt Nam, nhất là các cơ hội đầu tư để xây dựng các cảng biển container nước sâu lớn, hiện đại cũng như các dự án logistics chiến lược.
Lãnh đạo của Tập đoàn Maersk khẳng định: "Các dự án của Maersk sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, kết nối các "chân hàng", khu công nghiệp trên cả nước".
Đồng thời lãnh đạo của Maersk khẳng định về cam kết mạnh mẽ trong phát triển vận tải biển xanh, sử dụng các nguồn năng lượng xanh, nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) trong mọi hoạt động của tập đoàn vào năm 2040; đồng thời tiến hành đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường tự động hóa trong vận hành cảng biển thông minh.
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo của Tập đoàn Maersk đã giới thiệu với Phó Thủ tướng và đoàn công tác một số kết quả hoạt động, dự án nổi bật của tập đoàn ở trên thế giới và tại Việt Nam.
"Khi đầu tư vào Việt Nam thì cũng là một doanh nghiệp của Việt Nam"
Sau khi lắng nghe những chia sẻ của ông Vincent Clerc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chuyển đổi mạnh mẽ của Tập đoàn Maersk trong lĩnh vực vận tải biển, logistic theo xu hướng xanh, thông minh.
Theo Phó Thủ tướng, là một quốc gia biển, Việt Nam xác định kinh tế biển là lĩnh vực mũi nhọn. Trong đó, hệ thống cảng biển có tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng, an ninh và nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới.
Phó Thủ tướng nhận định: "Chiến lược của Maersk phù hợp với lựa chọn của Việt Nam về phát triển xanh, Net Zero, cũng như xây dựng hệ thống hạ tầng cảng biển và logistic công suất lớn cũng như xây dựng đội tàu vận tải biển".
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam ưu tiên lựa chọn những tập đoàn có kinh nghiệm năng lực và mô hình phát triển tiếp cận đổi mới sáng tạo, công nghệ như Maersk làm đối tác chiến lược đầu tư xây dựng, vận hành những cảng biển lớn như Cái Mép, Lạch Huyện, Liên Chiểu… để phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xây dựng cảng xanh, cảng thông minh, đồng thời bảo đảm sự cạnh tranh hiệu quả về năng lượng, dịch vụ, chi phí vận chuyển.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực vận tải biển, logistics, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "khi đầu tư vào Việt Nam thì cũng là một doanh nghiệp của Việt Nam", Phó Thủ tướng đề nghị phía Tập đoàn Maersk hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, đối tác của Việt Nam, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn và vướng mắc.
Về một số kiến nghị của tập đoàn, Phó Thủ tướng mong muốn Tập đoàn Maersk tiến hành nghiên cứu đầu tư các dự án năng lượng xanh, nhiên liệu xanh (hydro, amoniac) và hạ tầng năng lượng đi kèm cho các cảng biển xanh, tàu biển xanh; mở rộng đầu tư vào lĩnh vực vận tải logistic bằng đường sắt, đường thủy nội địa, ven biển…
Tập đoàn hàng đầu về vận tải biển có doanh thu hơn 50 tỷ USD
Tập đoàn Maersk được sáng lập tại Đan Mạch vào năm 1904. Bước ngoặt để Maersk vươn lên thành một trong những hãng vận tải biển đứng đầu thế giới đến từ việc khai thác tuyến container đầu tiên năm 1975. Bởi chỉ ít năm sau đó, nhu cầu về vận tải container trên toàn cầu đã tăng vọt trên toàn cầu, từ hơn 100 triệu tấn (năm 1980) đến gần 2 tỷ tấn (năm 2017).
Đến đầu những năm 1990, Maersk vươn lên trở thành là hãng tàu biển chở container lớn nhất thế giới và giữ vững vị trí này trong suốt hai thập kỷ. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 90% thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng container qua đường biển. Trong đó, Maersk vận chuyển khoảng 1/5 tổng số container này.
Với lịch sử hình thành 120 năm, Tập đoàn Maersk hiện có mặt ở 130 quốc gia, với hơn 100.000 nhân viên. Trong năm 2023, tập đoàn này đạt doanh thu 51 tỷ USD, trong đó hoạt động kinh doanh trên biển là trên 33 tỷ USD.
Theo lãnh đạo tập đoàn, Maersk hiện cung cấp dịch vụ logistics tích hợp và các giải pháp kỹ thuật số tiên phong để giải quyết những khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vận hành một trong những mạng lưới cảng toàn diện nhất thế giới với 62 bến cảng container.
Hiện nay, các doanh nghiệp Đan Mạch đã và đang đầu tư vào 169 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 2 tỷ USD, đứng thứ 22/148 quốc gia, vùng lãnh thổ, và trong thời gian tới sẽ tiếp tục có bứt phá ở những lĩnh vực lợi thế.
Bài tham khảo nguồn: Maersk, VGP, Statista