Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco; mã chứng khoán TIS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 ghi nhận lãi 15,6 tỷ đồng, đây là quý báo lãi trở lại sau 5 quý lỗ liên tiếp của doanh nghiệp sản xuất thép này.
Trong quý, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tisco đạt 2.741 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng 28,38% so với cùng kỳ, lên mức 2.615 tỷ đồng. Dẫn đến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tisco trong quý 4/2023 chỉ đạt 127 tỷ đồng, giảm 5,93% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, trong quý doanh thu hoạt động tài chính của Tisco đạt 8 tỷ đồng, giảm 33,3% so với cùng kỳ.
Theo giải trình của Tisco, quý 4/2023, thị trường thép có những diễn biến tích cực, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép. Sản lượng tiêu thụ thép cán tăng 46.658 tấn, tăng 31,6% so với cùng kỳ; Chi phí quản lý tại báo cáo riêng quý 4/2023 giảm 67,6 tỷ đồng và tại báo cáo hợp nhất giảm 67,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 chủ yếu là do giảm chi phí tiền lương và chi phí dự phòng tiền lương, đồng thời chi phí tiền thuê đất được giảm 12 tỷ đồng theo Quyết định 25/2023/QĐ-TTG; Chi phí tài chính tại báo cáo riêng quý 4/2023 giảm 13,4 tỷ đồng chủ yếu là do quý 4/2023 Tisco được hoàn nhập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư 7,3 tỷ đồng (quý 4/2022 trích lập dự phòng 4,9 tỷ đồng).
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Tisco trong quý 4/2023 đạt 23 tỷ đồng, con số này ở cùng kỳ năm 2022 là lỗ 11 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lãi 15,6 tỷ đồng, tăng 32,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, “cánh én” lợi nhuận quý 4/2023 không thể cứu vãn một năm kinh doanh bết bát của doanh nghiệp sản xuất thép này. Khi lũy kế năm tài chính 2023, Tisco báo lỗ 179 tỷ đồng, cao gấp hơn 20 lần khoản lỗ năm 2022 (8,9 tỷ đồng). Đây là khoản lỗ cao nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2013.
Đáng chú ý, Tisco hiện đang sở hữu tài sản cơ bản dở dang là Dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Gang thép Thái Nguyên – giai đoạn 2” với giá trị gần 6.630 tỷ đồng.
Được biết, dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Gang thép Thái Nguyên – giai đoạn 2” được triển khai từ năm 2007, với tổng chi phí đầu tư toàn dự án theo dự toán ban đầu là hơn 3.843 tỷ đồng. Nhà thầu chính là Công ty China Metallurgical Group Corporation (MCC). Sau thời gian trì hoãn và kéo dài, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư mới lên 8.104,91 tỷ đồng.
Tisco cho biết, dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, Ban Lãnh đạo Tisco cùng Tổng Công ty thép Việt Nam – CTCP vẫn đang tiếp tục đàm phán với các nhà thầu và phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan để tháo gỡ khó khăn cho dự án.
Đến thời điểm 31/12/2023, tổng giá trị đầu tư của dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Gang thép Thái Nguyên – giai đoạn 2” đã thực hiện là 6.627 tỷ đồng. Trong đó, lãi vay vốn hóa là 3.413 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong năm 2023 là chi phí lãi vay vốn hóa.
Đến thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Tisco đạt 10.250 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn ở mức 2.217 tỷ đồng, giảm 7,7% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý, hàng tồn kho ở mức 1.418 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Tisco ở mức 8.546 tỷ đồng, tăng 3,88% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn còn lần lượt 2.770 tỷ đồng và 1.700 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 18/1, giá cổ phiếu TIS ở mức 4.500 đồng/cổ phiếu, đứng giá so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là hơn 77 nghìn đơn vị. Hiện cổ phiếu TIS vẫn đang thuộc diện cảnh báo.
Trước đó, cổ phiếu TIS bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 31/3/2023 do Báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 03 năm liên tiếp trở lên.