Economist: Trung Quốc đang viết lại tiêu chuẩn công nghệ thế giới, chấm dứt nhiều thập kỷ thống trị của Mỹ, Đức, Nhật Bản

Băng Băng | 11:15 28/10/2024

Theo Economist, Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán hơn trong những năm gần đây ở mảng thiết lập tiêu chuẩn công nghệ mới.

Economist: Trung Quốc đang viết lại tiêu chuẩn công nghệ thế giới, chấm dứt nhiều thập kỷ thống trị của Mỹ, Đức, Nhật Bản

Tờ The Economist cho hay một chiếc smartphone là minh chứng cho tiêu chuẩn công nghệ thế giới khi bao gồm hàng trăm linh kiện từ vô số nhà cung cấp với bộ thông số kỹ thuật chung làm tiêu chuẩn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những tổ chức như Hiệp hội tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) thường định kỳ triệu tập các công ty và chuyên gia công nghệ để đưa ra các thỏa thuận thiết lập quy tắc, vốn là điều mà hầu hết mọi người không chú ý tới.

Trong nhiều thập kỷ, quá trình này do Mỹ, Đức và Nhật Bản thống trị khi doanh nghiệp của họ đi tiên phong trong mảng công nghệ, qua đó đem lại nhiều lợi nhuận hơn trong việc thiết lập tiêu chuẩn cho thế giới.

Ví dụ IBM, một tập đoàn máy tính Mỹ đã nắm giữ hơn 100.000 bằng sáng chế và thu về 366 triệu USD năm 2023 chỉ từ việc cấp phép sở hữu trí tuệ.

Tương tự một công ty bán dẫn Mỹ khác là Qualcomm vốn nổi tiếng với các bằng sáng chế trong thiết bị không dây cũng có ¼ lợi nhuận đến từ việc cấp phép sở hữu trí tuệ.

Thế nhưng cuộc chơi đang dần đảo chiều khi chính Trung Quốc mới là bên tăng cường các tiêu chuẩn và bản quyền công nghệ những năm gần đây.

Trỗi dậy

Trên thực tế, chính phủ các nước từ lâu đã nhận ra giá trị trong việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ và đăng ký sở hữu trí tuệ. Các nước như Anh và Đức đã từng vật lộn để đề ra tiêu chuẩn thông số kỹ thuật cho điện tín thì ngày nay, cuộc chiến lại nằm giữa Trung Quốc và Phương Tây.

Cụ thể hơn, công nghệ truyền thông không dây, điện toán lượng tử và trí tuệ thông minh nhân tạo đang là chiến trường mà các nhà khoa học, doanh nghiệp giữa 2 bên cạnh tranh nhau để xác lập tiêu chuẩn cho cuộc chơi.

Theo Economist, Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán hơn trong những năm gần đây ở mảng thiết lập tiêu chuẩn công nghệ mới.

Riêng trong tháng trước, ITU đã phê duyệt 3 tiêu chuẩn kỹ thuật mới dùng cho công nghệ di động viễn thông thế hệ thứ 6 (6G). Chúng chủ yếu là các quy tắc liên quan đến việc tích hợp AI và tạo trải nghiệm thực tế ảo trong viễn thông di động.

Điều đáng nói là các tiêu chuẩn mới này được phát triển bởi Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) liên kết với Tập đoàn viễn thông quốc doanh China Telecom.

Bất chấp những nỗ lực của Mỹ trong việc loại bỏ thiết bị của Trung Quốc khỏi mạng di động ở càng nhiều quốc gia càng tốt, cường quốc Châu Á vẫn phát triển mạnh trong mảng công nghệ không dây.

Ví dụ điển hình là Huawei, bằng việc áp dụng tiêu chuẩn công nghệ của hãng tại nước ngoài mà kiếm được nhiều tiền từ cấp phép sở hữu trí tuệ hơn so với việc trả tiền bản quyền năm 2021.

Rõ ràng, cuộc chơi đang dần thay đổi.

Thậm chí vai trò của Trung Quốc trong việc thiết lập tiêu chuẩn công nghệ không chỉ giới hạn ở các mạng di động. Hàng loạt tập đoàn từ Xiaomi, hãng sản xuất smartphone, cho đến BOE Technology, hãng sản xuất màn hình LED lớn nhất thế giới đều đang hưởng lợi từ tiền cấp phép bản quyền khi định hình tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu.

Trong mảng công nghệ camera giám sát, hãng Hikvision được hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc đang ngày càng định ra các tiêu chuẩn mới cho thị trường nhờ đi tiên phong trên nhiều khía cạnh kỹ thuật. Thế rồi công nghệ lượng tử cũng đang chứng kiến các nhà khoa học và doanh nghiệp Trung Quốc đem về vô số những đột phá cùng tiêu chuẩn mới.

Khác với Phương Tây khi quyền sở hữu trí tuệ được nhường lại cho công ty tư nhân và hiệp hội thì cách tiếp cận của Trung Quốc lại để chính phủ kiểm soát.

Năm 2018, chính phủ Trung Quốc đặt kế hoạch đi đầu trong việc đặt tiêu chuẩn kỹ thuật ở các lĩnh vực từ viễn thông, máy bay không người lái cho đến AI vào năm 2035. Bởi vậy hầu hết các tiêu chuẩn của Trung Quốc được phát triển trong các trung tâm, viện nghiên cứu do chính phủ thành lập.

Những nỗ lực tiêu chuẩn hóa này được điều phối bởi Cục Quản lý Tiêu chuẩn Trung Quốc (SAC), đơn vị đại diện cho Trung Quốc khi liên hệ với các cơ quan tiêu chuẩn toàn cầu.

Tờ Economist cho hay nhiều quan chức Phương Tây thậm chí ghen tỵ với sự tập trung đầu tư của Trung Quốc trong mảng này. Khi đến thăm nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhiều người ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng có hàng chục nghìn kỹ thuật viên tập trung vào việc phát triển tiêu chuẩn công nghệ trên toàn quốc.

Thậm chí đến các thành viên cấp cao của bộ máy hành chính Trung Quốc cũng nắm vững các quy tắc kỹ thuật phức tạp.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã có động thái đồng bộ để bổ nhiệm các viên chức của mình vào các cơ quan tiêu chuẩn quốc tế. Họ đã giữ các vị trí cấp cao tại một số tổ chức hàng đầu và đã lấp đầy các ủy ban kỹ thuật. Hệ quả là nhiều cuộc họp về tiêu chuẩn toàn cầu hiện đang diễn ra tại Trung Quốc chứ không phải Phương Tây.

Một mũi tên trúng hai đích

Chuyên gia Alex He thuộc Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI) tại Canada nhận định với việc ủng hộ các tổ chức như ITU, nơi Trung Quốc có quyền ảnh hưởng nhiều hơn, cũng như việc ký kết các hiệp định song phương, chính quyền Bắc Kinh đang bắn 1 mũi tên trúng 2 đích.

Đầu tiên, ngay cả khi Phương Tây từ chối áp dụng tiêu chuẩn của Trung Quốc thì họ vẫn sẽ bị loại khỏi các thị trường mà chính quyền Bắc Kinh có ảnh hưởng nhờ thiết lập quan hệ song phương.

Tiếp đó, việc áp dụng tiêu chuẩn không chỉ đảm bảo lợi nhuận cho công ty trong dài hạn như IBM hay Qualcomm của Mỹ đang làm, mà còn có thể ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội.

Ví dụ nhiều tính năng của internet do phương Tây thiết kế có xu hướng thúc đẩy quyền riêng tư của cá nhân hơn là kiểm soát tập trung, vốn không phù hợp với chính sách nhiều nước khác.

Vậy là trong những năm gần đây, Trung Quốc đã vận động để viết lại các tiêu chuẩn Internet.

Năm 2019 và 2022, Huawei đã đề xuất các giao thức internet thay thế tại ITU, qua đó cho phép chính phủ có mức độ kiểm soát lớn hơn. Dù không thành công thông qua nhưng đề xuất này nhận được ủng hộ của nhiều quốc gia thành viên.

Đáp trả, Đạo luật CHIPS của Mỹ được ký vào năm 2022 đã trao quyền cho Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) nhiệm vụ phát triển các tiêu chuẩn về AI và an ninh mạng, đồng thời mở rộng vai trò của viện này trong việc tham gia các cơ quan tiêu chuẩn quốc tế.

Bên kia Đại Tây Dương, một số nhà hoạch định chính sách muốn Viện Tiêu chuẩn Viễn thông Châu Âu (ETSI) đóng vai trò lớn hơn trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng vị thế ở ITU cùng các cơ quan tiêu chuẩn khác.

Theo chuyên gia Tim Ruhlig của Viện nghiên cứu an ninh Liên minh Châu Âu (EUISS), Phương Tây đang phải từ bỏ cách tiếp cận từ dưới lên, chuyển từ dựa vào tư nhân để phát triển quyền sở hữu trí tuệ sang hình thức tập trung có hỗ trợ của chính phủ. Nói một cách đơn giản hơn, Trung Quốc đang khiến Phương Tây phải tuân theo các quy tắc của mình.

*Nguồn: The Economist

Bài liên quan

(0) Bình luận
Economist: Trung Quốc đang viết lại tiêu chuẩn công nghệ thế giới, chấm dứt nhiều thập kỷ thống trị của Mỹ, Đức, Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO