Sinh viên đổ xô đi học cao học vì không tìm được việc, có bằng thạc sĩ mới được xem xét tuyển dụng: “Lạm phát” bằng cấp tại Trung Quốc khiến bằng cử nhân thời nay chỉ ngang với học nghề

Y Vân | 13:26 15/07/2025

Sinh viên mới tốt nghiệp đại học chọn quay trở lại trường học lần nữa nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm tương lai trong bối cảnh áp lực đang gia tăng trên thị trường lao động Trung Quốc.

Sinh viên đổ xô đi học cao học vì không tìm được việc, có bằng thạc sĩ mới được xem xét tuyển dụng: “Lạm phát” bằng cấp tại Trung Quốc khiến bằng cử nhân thời nay chỉ ngang với học nghề

Crystal là một sinh viên ngành nhân văn tốt nghiệp thuộc top 10% tại Đại học Bắc Kinh – một trong những trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Crystal đã mong muốn sẽ làm việc tại các tập đoàn công nghệ hoặc tài chính hàng đầu Trung Quốc.

Cô đã thực tập tại ByteDance – công ty mẹ của TikTok và các nền tảng mạng xã hội, tham gia nhiều cuộc thi phân tích chiến lược của Bain & Company để tăng lợi thế cạnh tranh. Nhưng đến khi tốt nghiệp năm 2023, lựa chọn thực tế duy nhất của Crystal là tiếp tục học thạc sĩ kinh tế và quản trị thêm 2 năm nữa.

“Tấm bằng cử nhân giờ không còn đảm bảo có việc làm”, cô nói. “Thị trường lao động đã thay đổi rất nhiều so với thế hệ trước”.

Theo chuyên gia kinh tế Nancy Qian tại Đại học Northwestern (Mỹ), thị trường việc làm hậu đại dịch của Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp, ngay cả đối với sinh viên ưu tú từ các trường top đầu. “Giờ đây, họ phải cạnh tranh dữ dội để giành lấy những công việc có mức lương trung bình hoặc thậm chí không đủ để sống một mình”, Qian nhận định.

Theo báo cáo của nền tảng tuyển dụng Zhaopin, bằng thạc sĩ hiện chỉ là điều kiện tối thiểu để ứng viên được xem xét tuyển dụng. “Nhiều người lầm tưởng có bằng thạc sĩ là sẽ dễ dàng tìm được việc tốt. Nhưng thực tế, đó chỉ là tấm vé vào cửa”.

Tỷ lệ sinh viên các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc học tiếp lên cao học đã tăng đáng kể. Tại Đại học Thanh Hoa, 66% sinh viên tốt nghiệp năm 2022 tiếp tục học lên thạc sĩ trong nước, so với 54% năm 2013. Tương tự, con số này tại Đại học Bắc Kinh đã tăng từ 48% vào năm 2019 lên 66% vào năm 2024.

Lily Liu, cựu CEO của một nền tảng tuyển dụng trực tuyến Trung Quốc với khoảng 100.000 người dùng, cho biết nhân sự hiện cũng đang có nhiều yêu cầu hơn từ nơi làm việc. “Kỳ vọng của sinh viên mới tốt nghiệp hiện nay rất đa dạng như môi trường doanh nghiệp, giá trị ngành nghề, mức lương, khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc. Nếu những kỳ vọng này không được đáp ứng, sinh viên mới tốt nghiệp sẽ bỏ cuộc và quay lại trường học”.

Các nhà tuyển dụng hiện cũng ưu tiên ứng viên có bằng cấp cao hơn. CEO Qi Mingyao của công ty viễn thông Ruihua (Bắc Kinh) cho biết nếu bắt đầu tuyển dụng lại, ông sẽ chọn người có bằng thạc sĩ thay vì cử nhân vì yêu cầu kỹ năng chuyên môn cao hơn. Ruihua đã cắt giảm nhân sự từ khoảng 60 người trước đại dịch xuống còn khoảng 20 người và hiện không tuyển thêm do tình hình kinh tế.

“Khi tôi vào đại học năm 1992, 100% sinh viên đại học đều có thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp và đó là những công việc tốt”, Mingyao nói. “Bây giờ, sinh viên cao học ngày nay cũng giống như sinh viên đại học thời đó, và sinh viên đại học ngày nay cũng giống như sinh viên học nghề thời đó”.

Một sinh viên giấu tên cho biết nhiều người chọn học tiếp không phải vì đam mê học hành mà đơn giản vì chưa thể tìm được việc. “Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để vào được trường tốt, vậy rốt cuộc tất cả có ích gì?”

Khi tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 tại Trung Quốc đỉnh 21,3% vào tháng 6/2023, chính phủ đã tạm ngừng công bố số liệu. Dù đã được cập nhật lại vào tháng 1/2024, nhưng con số gần nhất vẫn là 14,9% vào tháng 5 năm nay.

Qian cảnh báo tình trạng này có thể gây hệ lụy dài hạn tới tăng trưởng kinh tế và nhân khẩu học. “Khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao, tất cả những quy luật thông thường để mọi người gặp gỡ, giao lưu, kết hôn, sinh con và xây dựng gia đình đều bị phá vỡ”.

Triển vọng ảm đạm đối với sinh viên mới tốt nghiệp chưa có dấu hiệu cải thiện, đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn liên quan đến thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc. “Tác động của thuế quan Mỹ là các công ty nước ngoài đang tuyển dụng ít vị trí hơn ở Trung Quốc”, Lily Liu nói.

Trở lại với Crystal, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ vào mùa xuân, cô sẽ bắt đầu làm việc tại một công ty công nghệ hàng đầu ở Bắc Kinh.

“Nếu so sánh với người Mỹ hay người châu Âu, dĩ nhiên tôi sẽ thấy không vui. Sao họ có thể được nghỉ lễ 30 ngày mà vẫn kiếm được nhiều tiền mỗi giờ?” cô nói. “Nhưng nếu so sánh với các thế hệ trước ở Trung Quốc, tôi cảm thấy mình thực sự không làm việc chăm chỉ đến vậy. Thế hệ cha mẹ tôi cũng làm việc nhiều giờ và họ không được ăn ngon mặc đẹp. Khi nghĩ như vậy, tôi cảm thấy như đến lượt chúng tôi phải chịu những khó khăn thế hệ vậy”.

Tham khảo: Washington Post


(0) Bình luận
Sinh viên đổ xô đi học cao học vì không tìm được việc, có bằng thạc sĩ mới được xem xét tuyển dụng: “Lạm phát” bằng cấp tại Trung Quốc khiến bằng cử nhân thời nay chỉ ngang với học nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO