Đường Hồ Chí Minh: Khơi nguồn lịch sử, "thắp sáng" tương lai

08:50 28/05/2024

Đúng như kỳ vọng ban đầu về một “xa lộ Bắc - Nam”, đường Hồ Chí Minh trong tương lai không chỉ có 1.762 km từ 2 – 4 làn xe mà sẽ có 1.768 km đường cao tốc thông suốt từ Cao Bằng đến Đất Mũi (Cà Mau). Đánh thức những vùng kinh tế đang “ngủ yên” chờ cất cánh.

Đường Hồ Chí Minh: Khơi nguồn lịch sử, "thắp sáng" tương lai
Nhiều đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh được triển khai thành cao tốc, xứng đáng là xa lộ Bắc - Nam trong tương lai

Nơi cội nguồn cách mạng

Nói về đường Hồ Chí Minh đoạn Pắc Pó – Cao Bằng, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Hồ Chí Minh hồi tưởng, phải nói rằng đây là đoạn tuyến để lại trong tôi nhiều kỷ niệm vì là nơi Bác Hồ đã đặt chân về nước sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước vào ngày 28/1/1941.

"Tôi nhớ như in đến giữa năm 2007, dự án chính thức được Bộ GTVT chấp thuận đầu tư phê duyệt từ với tổng chiều dài trên 52,4 km. Rất nhanh sau đó, chỉ 1 năm sau đã hoàn thiện thủ tục và chính thức được khởi công vào tháng 8/2008".

"Việc xây dựng “điểm đầu" với ý nghĩa tôn vinh, đánh dấu tuyến đường là cần thiết, bởi đây là biểu tượng có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, khi đi vào khai thác, sử dụng sẽ góp phần phát huy giá trị Khu di tích Pắc Bó - Cao Bằng đã được nhà nước xếp hạng “Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt"", ông Quý nói.

Từ ý nghĩa lịch sử đó, sau khi tham khảo ý kiến từ Bộ GTVT, UBND tỉnh Cao Bằng, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã cùng đơn vị tư vấn thiết kế chuyên ngành mỹ thuật là Công ty Bảo tồn phát triển Mỹ thuật Việt Nam lên các phương án thiết kế mỹ thuật. Theo đó, "điểm đầu" tuyến tại (Km0) chính thức được chọn nằm tại khu đối diện với đền thờ Bác Hồ.

“Đây là vị trí có tầm nhìn và điểm nhấn, tạo nên một trục trung tâm vuông góc với sân quảng trường, đem lại tương quan hợp lý cho toàn bộ công trình trong khu vực di tích, đồng thời khi xây dựng hoàn thành có thể tạo thành phông sân khấu phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng”, ông Quý chia sẻ.

img_5111.jpg
Cột mốc (Km0), mở đầu tuyến đường Hồ Chí Minh nằm tại khu đối diện với đền thờ Bác Hồ

Sau 5 năm nỗ lực thi công, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2013, qua đó, ghi nhận đoạn đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó đến Cao Bằng đã góp phần tăng mật độ xe trên tuyến từ 15-30%.

Thời gian chạy xe từ Pắc Bó về TP.Cao Bằng cũng được rút ngắn bình quân từ 2 giờ xuống còn 1 giờ 15 phút. Tuyến đường đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, lưu lượng hàng hóa qua cửa khẩu Sóc Giang tăng 25-30%, lượng khách du lịch về với Pắc Bó tăng khoảng 30%...

Không những thế, biểu tượng mốc "điểm đầu" của tuyến đường giờ đây đã là điểm nhấn du lịch quan trọng - một trang giáo án sống động giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu khi về thăm điểm đầu tiên của đường Hồ Chí Minh lịch sử anh hùng trên mảnh đất cội nguồn cách mạng Pắc Bó - Cao Bằng.

Về Đất Mũi không còn “cách trở đò ngang”

“Tổ quốc ta như một con tàu.

Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”.

Hai câu thơ của cố nhà thơ Xuân Diệu đã gợi tả sinh động và đầy ý nghĩa vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Tuy nhiên, để đến được vùng đất này, không hề dễ, người dân phải chịu cảnh "cách trở đò giang" vì tuyến đường huyết mạch QL1 chỉ tới Năm Căn.

Nhưng nhờ có Dự án đường Hồ Chí Minh lịch sử hoàn thành nối liền từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), cảnh đò giang cách trở đã lùi về quá khứ....

Nói về kỷ niệm này, ông Dương Tiến Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tâm sự: Đất Mũi là mảnh đất cực Nam của Tổ quốc - là một trong những điểm cập bến quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển, có vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng.

Đất Mũi có điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình kinh tế về thủy sản, lâm nghiệp, du lịch sinh thái... Với bờ biển dài 98km trải theo ba phía Đông, Tây, Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sản trú ngụ và sinh sôi phát triển, là điều kiện cần thiết cho sự phát triển ngành sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản.

Đất Mũi có tiềm năng phát triển kinh tế rừng với diện tích rừng ngập mặn lớn. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển, Khu Ramsar thế giới, sẽ là động lực phát triển kinh tế du lịch.

Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, cho phép phát triển cảng biển cho tàu trọng tải lớn tại khu vực đảo Hòn Khoai và phê duyệt thành lập Khu kinh tế Năm Căn. Tuy nhiên, thời gian qua những tiềm năng, lợi thế trên chưa được khai thác đúng mức, kinh tế phát triển chậm, đời sống của đại bộ phận nhân dân còn khó khăn, do xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng đúng mức, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ.

"Việc Quốc hội, Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, nối liền Pắc Bó đến Đất Mũi là một quyết định hết sức đúng đắn, nhân dân Cà Mau vui mừng, phấn khởi. Ước mơ bao đời của người Cà Mau về một tuyến đường đến Đất Mũi, đặc biệt là qua sông Cửa Lớn không còn cách trở đò giang này đã thành hiện thực", ông Dũng nói.

Chia sẻ thêm về quá trình thi công đoạn Năm Căn - Đất Mũi, ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục đường cao tốc Việt Nam, nguyên Giám đốc Ban QLDA Hồ Chí Minh cho biết: Đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn - Đất Mũi) trên địa bàn tỉnh Cà Mau, được phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 857/QĐ-BGTVT ngày 2/4/2008, là một trong những công trình trọng điểm, mang tính chiến lược.

image.jpg
Ông Lâm Văn Hoàng, nguyên giám đốc Ban QLDA Hồ Chí Minh (áo trắng thứ 3 từ bên phải qua) đang báo cáo Nguyên Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa về tiến độ dự án

Riêng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Cà Mau dài tới 136 km, gồm QL63 và QL1. Nhưng đáng chú ý nhất trên tuyến có 3 dự án thành phần là cầu Đầm Cùng, cầu Năm Căn và đoạn Năm Căn - Đất Mũi. Ngoài ra, Ban Hồ Chí Minh được giao thêm dự án cầu Hòa Trung dài 1.286 m bắc qua sông Gành Hào nối TP Cà Mau với huyện Đầm Dơi.

Đây đều là những nhịp cầu quan trọng giúp phá thế “ốc đảo” của các huyện cuối cùng đất nước, vì thế, Ban Quản lý dự và các nhà thầu thi công nỗ lực ngày đêm để hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, phục vụ người dân lưu thông sớm nhất, phát triển kinh tế khu vực.

Ông Hoàng ví von đường Hồ Chí Minh đường từ Năm Căn về Đất Mũi là đoạn cuối cùng của “con đường thiên lý” từ Pắc Bó đến mũi Cà Mau.

Đường lớn, đã mở…

Không chỉ xoá thế độc đạo hoặc ốc đảo cho nhiều vùng miền, đường Hồ Chí Minh còn mang tầm vóc lớn với nhiều tuyến cao tốc hiện đại với một khát vọng như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng kỳ vọng “cần một xa lộ Bắc – Nam” cho tương lai. Và điều này đã, đang trở thành hiện thực.

Theo thống kê từ Bộ Giao thông vận tải, hiện tại, tổng chiều dài các đoạn tuyến Đường Hồ Chí Minh được quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc khoảng 1.768 km gồm: 1.205 km được quy hoạch là đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây; 40 km đoạn đi trùng cao tốc đoạn Rộ - Vinh (Nghệ An); 463 km đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Vinh - Túy Loan; 60km đi trùng tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Cửa khẩu Hoa Lư...

Đó là chưa kể tổng chiều dài các đoạn tuyến được tích hợp vào mạng lưới quốc lộ 4 - 6 làn đường trên cơ sở đã hoàn thành đầu tư, đang khai thác và quy hoạch đầu tư theo tiêu chuẩn đường quốc lộ là 1.762 km.

Chưa dừng lại ở đó, thời gian tới Ban Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nâng cấp mở rộng thêm tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn; cao tốc La Sơn - Hòa Liên và Hoà Liên - Tuý Loan lên 4 làn xe đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc. Đồng thời, xây dựng tuyến Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa thuộc một phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây (sau này sẽ được nâng cấp lên cao tốc 6 làn xe).

440928481_1803088383550126_1454767072651233206_n(1).jpg
Ảnh khởi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn trùng với đường Hồ Chí Minh, mở ra "tuyến xa lộ Bắc - Nam" cho tương lai

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật từng chia sẻ, ý nghĩa của các tuyến cao tốc đường Hồ Chí Minh đóng vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội ở vùng sâu, vùng xa, các tỉnh nghèo nơi có tuyến cao tốc chạy qua.

Nhìn vào sự đột phá “đại lộ lớn” những năm qua đã đem đến nhiều cơ hội phát triển cho các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.

"Tới đây dự án Chơn Thành - Đức Hòa hoàn thành và đưa và sử dụng sẽ giúp cả khu vực phía Đông Nam Bộ phát triển xứng tầm vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Rõ ràng, con đường mang tên Bác đang ghi những dấu ấn đậm nét trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng theo dọc chiều dài đất nước", ông Nguyễn Nhật nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đường Hồ Chí Minh: Khơi nguồn lịch sử, "thắp sáng" tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO