Đua nhau báo lỗ, công ty tài chính đã hết thời?

Lê Sáng | 13:32 04/09/2023

Vừa qua, việc một loạt công ty tài chính đã và đang gặp khó khăn, phải thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí có tiền cũng “ngại” cho vay do lo ngại không thu hồi được nợ khiến nhiều người đặt câu hỏi về tương lai của mô hình này tại Việt Nam.

Đua nhau báo lỗ, công ty tài chính đã hết thời?
Việc hàng loạt công ty tài chính đua nhau báo lỗ khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu công ty tài chính đã hết thời. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Danh sách thua lỗ ngày càng dài

Được đánh giá là thị trường “tỷ đô” có nhiều tiềm năng khi cung cấp cho người tiêu dùng khả năng tiếp cận tín dụng đơn giản, nhanh chóng, đa mục đích tuy nhiên từ khoảng đầu năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu.

Báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty tài chính cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa khi nợ xấu tăng nhanh, phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự, thậm chí thua lỗ nặng.

Cụ thể, tình hình khó khăn của nhiều công ty tài chính phản ánh rõ trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khi nhiều công ty có kết quả kinh doanh suy giảm.

Trong 6 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Tài chính Tín Việt (VietCredit) cũng lỗ 73,6 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 42,5 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay của VietCredit chỉ đạt 594,6 tỷ đồng, thay vì 700 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) ghi nhận khoản lỗ sau thuế tới 2.996 tỷ đồng, vượt xa tổng lỗ sau thuế cả năm 2022 là 2.376 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ của FE Credit là do tỉ lệ nợ xấu tăng vọt. Tình hình kinh tế khó khăn và quá trình phục hồi sau dịch Covid-19 chậm hơn nhiều so với dự kiến đã ảnh hưởng lớn tới tài chính của các cá nhân có thu nhập thấp, những người vốn là khách hàng chính của FE Credit.

Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023 Mcredit đạt lợi nhuận sau thuế 328 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022.

Mcredit là công ty tài chính liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Quân Đội và Ngân hàng SBI Shinsei (Nhật Bản), được thành lập từ năm 2016. Mcredit có thị phần thứ 3 trên thị trường cho vay tài chính tiêu dùng, đạt 12% năm 2022, sau FE Credit và Home Credit.

Công ty HD Saison với bề dày 15 năm hoạt động trong ngành tài chính tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo công bố 6 tháng đầu năm 2023 từ HDBank, lợi nhuận trước thuế của HD Saison sụt giảm, chỉ đạt 314 tỷ đồng, bằng một nửa so với con số 6 tháng đầu năm 2022.

Home Credit Việt Nam vừa công bố thông tin tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Home Credit là 211,5 tỷ đồng. Trước đó, Home Credit báo lãi 1.189 tỷ đồng cho cả năm 2022.

Mới đây, thông tin Kasikornbank - ngân hàng lớn thứ 2 của Thái Lan - đang đàm phán để mua lại Home Credit Việt Nam khiến giới tài chính xôn xao. Thỏa thuận của thương vụ này có giá tới 1 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ mua bán - sáp nhập lớn thứ 2 trong ngành tài chính Việt Nam, sau thương vụ bán 1,5 tỷ USD cổ phần của VPBank cho SMBC của Nhật Bản vào tháng 3 vừa qua.

pasted-image-0.png
Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá là chưa phát triển đúng với tiềm năng. Ảnh minh họa.

Liệu đã hết thời?

Khó khăn của các công ty tài chính tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay một phần được cho được xem là hệ quả tất yếu trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ngoài ra, theo các chuyên gia cũng đến từ việc còn thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động này phát triển một cách chuẩn chỉ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nhận định, thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất của các công ty tài chính sau khi ngấm đòn từ dịch Covid-19 và hệ lụy do khó khăn của kinh tế kéo dài từ năm ngoái đến nay, nhất là hoạt động thu nợ.

Đáng chú ý, tỉ lệ khách vay không trả nợ, thậm chí rủ nhau "bùng nợ" ngày càng cao trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện càng khó thực hiện vì đa số các khoản nợ giá trị thấp. Trong bối cảnh đó, các công ty tài chính hiện không dám mạnh tay cho vay tiêu dùng vì lo khó thu hồi nợ.

Theo số liệu của VNBA, tính đến hết năm 2022, nợ xấu của các công ty tài chính tăng 23,09% so với cuối năm trước và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, hiện nay thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn đang thiếu một hành lang pháp lý đủ sức vừa chế tài, quản lý được việc các doanh nghiệp cho vay sai quy định cũng như vừa bảo vệ được những doanh nghiệp làm đúng, tạo ra sự phát triển lành mạnh của thị trường tài chính tiêu dùng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, từ những diễn biến trên thị trường cho vay tiêu dùng thời gian qua, các cơ quan chức năng cần tách bạch hoạt động đòi nợ thuê sai phạm và dịch vụ thu hồi nợ bình thường cũng như cần chuyên nghiệp hoá để quản lý, thay vì cấm. Cần chấp thuận thu hồi nợ như một dịch vụ chính thức, được pháp luật quản lý, để bảo vệ người vay tiền và cả doanh nghiệp cho vay.

"Cần chuyên nghiệp hoá để quản lý, thay vì cấm để xảy ra biến tướng trong hoạt động thu hồi nợ", Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Theo ông Đức, về nguyên tắc, mọi tổ chức, cá nhân đề bình đẳng trước pháp luật, việc bảo vệ người dân, cụ thể người cho vay là cần thiết, để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhưng cũng cần bảo vệ cả người cho vay và cung cấp dịch vụ cầm đồ, tức các doanh nghiệp cho vay. Vấn đề toàn ngành tài chính tiêu dùng hiện đang gặp vướng là tính pháp lý trong thu hồi nợ.

Tuy gặp phải không ít khó khăn trong giai đoạn hiện nay, những theo nhận định của các chuyên gia, cho vay tiêu dùng vẫn có nhiều dư địa để phát triển bởi quy mô dư nợ lĩnh vực này của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tỷ lệ trung bình của các nước ở khu vực. Đây là phân khúc đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sinh hoạt và tiêu dùng của người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng yếu thế.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khi các tổ chức tín dụng cho vay chính thức không đáp ứng hết nhu cầu của thực tế đời sống thì cần phát triển các định chế gắn với tài chính vi mô và ''uốn nắn'' các hoạt động cho vay này, để đáp ứng nhu cầu xã hội, giảm thiểu mặt trái của quá trình phát triển.

Ngoài việc kiểm tra, chấn chỉnh, tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, các cơ quan chức năng phải hoàn thiện dần khuôn khổ pháp lý, để minh bạch hoạt động cho vay, hạn chế hệ lụy xã hội không mong muốn trong thu hồi nợ vay.

Về phía các công ty tài chính, các chuyên gia cho rằng các đơn vị này cũng cần thực hiện tốt khuyến nghị của ngân hàng Nhà nước về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng, đánh giá chính xác điểm tín dụng của khách hàng; tăng hiệu quả và tốc độ xử lý tín dụng, đổi mới quy trình cung cấp tín dụng theo hướng thuận tiện nhất cho khách hàng; thực thi các nguyên tắc của một tổ chức tài chính bền vững, đẩy mạnh cho vay có trách nhiệm…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đua nhau báo lỗ, công ty tài chính đã hết thời?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO