Với nhiều doanh nghiệp được hưởng thuế suất thấp, các chuyên gia cho rằng đà tăng trưởng sẽ còn tiếp tục.
Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng nhờ cá tra
Mặc dù đầu năm 2022, ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở nước ta vẫn còn tác động lớn tới các nguồn hàng xuất khẩu, trong đó có cá tra. Hơn nữa, xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn xuất khẩu thủy sản sang hai thị trường này từ cuối tháng 2 và làm tăng các chi phí vận tải, nguyên vật liệu sản xuất chế biến, nhưng xuất khẩu thủy sản tháng 3 vẫn duy trì tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, về tình hình nuôi trồng, chế biến thủy sản: Sản lượng thủy sản tháng 3/2022 ước tính đạt 694,2 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1.863,6 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 3/2022 ước tính đạt 367,8 nghìn tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022, sản lượng này ước tính đạt 988 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo khảo sát của Markettimes, giá cá tra trong quý I/2022 tăng cao do nguồn cung cá tra trong nước và toàn cầu thấp. Giá cá tra nguyên liệu tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tăng mạnh sau hơn hai năm liên tiếp ở mức thấp. Tháng 01/2022, giá cá tra nguyên liệu loại 0,9 kg/con tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ dao động ở mức 23,5 - 24 nghìn đồng/kg, tăng 3,5 - 4,0 nghìn đồng so với thời điểm cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mặc dù xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn xuất khẩu thủy sản sang hai thị trường này từ cuối tháng 2 và làm tăng các chi phí vận tải, nguyên vật liệu sản xuất chế biến, xuất khẩu thủy sản tháng 3 vẫn duy trì tăng trưởng tích cực ở mức 25% với giá trị ước đạt 920 triệu USD.
Sau khi tăng 44% trong tháng 1 và 62% trong tháng 2, xuất khẩu thủy sản tháng 3 tăng trưởng chậm hơn nhưng doanh số vẫn cao hơn đáng kể so với 2 tháng đầu năm.
Kết quả xuất khẩu khả quan chủ yếu nhờ cá tra vẫn đang đà hồi phục mạnh, tăng 80% đạt 261 triệu USD trong tháng 3 với các tín hiệu tích cực về nhu cầu ở các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU.
Dự báo thị trường xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng trưởng trong tháng 4
Với giá trị xuất khẩu tăng 88% so với cùng kỳ năm trước, cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu, đến nay chiếm 27% giá trị xuất khẩu thủy sản.
Theo nhận định của VASEP, xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 sẽ tiếp tục bị tác động bởi xung đột Nga-Ukraine, nhưng vẫn có động lực tăng trưởng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU… khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường; các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế để kết nối và mở rộng khách hàng. Do vậy dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 vẫn duy trì tăng trưởng 25%, đạt 934 triệu USD. Theo đó xuất khẩu các loại cá biển có thể giảm 15%, nhưng xuất khẩu cá tra vẫn tăng 80% và tôm sẽ tăng 20%, cá ngừ tăng 18%, mực, bạch tuộc tăng 25%.
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát lần thứ 17 và mới nhất là kết quả cuối cùng POR17 thuế chống bán phá giá với cá tra phile đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, thêm doanh nghiệp cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế 0% sang thị trường Mỹ. Tính đến thời điểm hiện tại, có 4 doanh nghiệp Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sản phẩm cá tra phile đông lạnh sang Mỹ là: Công ty CP Vĩnh Hoàn ; Công ty TNHH CBTP XK Vạn Đức Tiền Giang, Công ty CP Nam Việt (NAVICO) và NTSF SEAFOODS.
VASEP nhận định, hậu Covid-19, nền kinh tế của Mỹ đã nhanh chóng hồi sinh trở lại tất cả các kênh tiêu thụ, nhà hàng, khách sạn, trường học.... chuỗi logistics thông suốt, lượng hàng tồn kho đã được giải phóng. Điều này thúc đẩy các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam có thêm cơ hội gia tăng XK sang Mỹ hơn nữa trong năm 2022.
Mặt khác, VASEP kỳ vọng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Đối với thị trường cá tra ở Trung Quốc - Hồng Kông vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng 240% trong 2 tháng đầu năm lên 86 triệu USD mặc dù bị kiểm soát chặt.
Tại châu Âu, sau ít nhất 2 năm liên tiếp, xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm sút, số lượng doanh nghiệp Việt Nam rút khỏi thị trường này cũng gia tăng.
Mặc dù xuất khẩu cá tra gần đây có những tín hiệu lạc quan giúp người nuôi cá tra tự tin bắt tay sản xuất. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh mặt hàng này vẫn càn chú trọng định hướng phát triển nuôi cá tra phải theo quy hoạch, ưu tiên hàng đầu đến chất lượng sản phẩm cũng như nuôi phải có liên kết để đảm bảo đầu ra ổn định.