Trong tuần qua, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được điều chỉnh tăng từ 50 - 200 đồng/kg. Nhu cầu mua nhiều đã đẩy giá lúa gạo tăng mạnh. Thị trường giao dịch sôi động hơn.
Giá lúa gạo ngày 14/3 điều chỉnh giảm từ 100 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg ở một số giống lúa, gạo được khảo sát.
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (14/3) quay đầu giảm từ 100 đồng/kg đến 200 đồng/kg tại một số giống lúa. Cụ thể, lúa IR 50404 (tươi) giảm 200 đồng/kg về khoảng 5.500 - 5.800 đồng/kg. Lúa Đài thơm 8 giảm 100 đồng/kg trong hôm nay, hiện giao dịch với giá 5.700 - 5.800 đồng/kg. Trong khi đó, IR 50404 (khô) duy trì đi ngang với giá 6.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 có giá khoảng 5.800 - 5.900 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) giữ nguyên trong khoảng 11.500 - 12.000 đồng/kg.
Các giống lúa OM không có biến động mới trong hôm nay. Theo đó, giá lúa OM 5451 hiện ở mốc 5.700 - 5.800 đồng/kg; OM 380 duy trì mức 5.500 - 5.600 đồng/kg và OM 18 đang được thu mua với giá 5.600 - 5.850 đồng/kg.
Giá các loại nếp hôm nay có một số biến động khi giảm 100 đồng/kg trên một số loại nếp. Theo đó, nếp Long An (tươi) đã được điều chỉnh xuống mức 5.300 - 5.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với hôm qua. Các giống nếp còn lại tiếp tục giữ nguyên mức giá cũ. Nếp vỏ (tươi) hiện giao dịch ở mốc 5.400 - 5.500 đồng/kg, nếp ruột chững lại trong khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Về mặt hàng gạo tại An Giang, giá thu mua của thương lái giảm 1.000 đồng/kg đối với giống Gạo thơm Jasmine. Hiện thương lái đang thu mua trong khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg. Gạo Sóc thường tiếp tục neo ở mốc 13.500 - 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài vẫn ở trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo nàng Nhen duy trì ở mốc 20.000 đồng/kg, gạo Hương Lài đi ngang tại mức 19.000 đồng/kg và gạo trắng thông dụng có giá 14.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, mặt hàng phụ phẩm tấm, cám gạo ở các địa phương đã được điều chỉnh tăng mạnh từ 300 - 700 đồng/kg. Cụ thể, tại Long An tấm 1/2 có giá 8.150 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg; tấm 3/4 ở mức 7.850 đồng/kg, tăng 700 đồng/kg. Cám 8.050 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg.
Các doanh nghiệp nhận định, thị trường xuất khẩu gạo đang thuận lợi bởi, nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch Covid-19. Nhiều chuỗi cung ứng từng bị đứt gãy do đại dịch cũng đang được kết nối lại, giúp cho sức mua bán tăng lên. Bên cạnh đó, căng thẳng Nga – Ukraine khiến cho nhiều nước tiếp tục quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2022 cả nước xuất khẩu 468.952 tấn gạo, tương đương 223,34 triệu USD, giá trung bình 476,3 USD/tấn, giảm 7,3% về lượng và giảm 9,2% về kim ngạch so với tháng 1/2022 và giảm 2,1% về giá. So với tháng 2/2021 thì tăng mạnh 52% về lượng, tăng 33,2% kim ngạch nhưng giảm 12,4% về giá.
Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và các nước xuất khẩu lớn đều tăng lên. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên từ 415- 428 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2021. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm tại Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã tăng lên 371- 378 USD/tấn từ mức tương ứng 370- 376 USD/tần của tuần trước đó, đây cũng là mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2021.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2021 ở mức từ 410-415 USD/tấn vào ngày 10/3, so với mức tương ứng 400 USD/tấn vào tuần trước đó, trong bối cảnh nhu cầu cao hơn, và xung đột Ukraine-Nga khiến các khách hàng từ những nước khác thuộc châu Á đặt hàng nhiều hơn.
Xuất khẩu gạo năm nay đã sôi động ngay từ những tháng đầu năm, báo hiệu một năm thuận lợi hơn về đầu ra của lúa gạo Việt Nam. Trên bình diện ngành lúa gạo toàn cầu, trong năm nay, cả sản lượng lẫn tiêu thụ đều được dự báo tăng, nhưng mức tăng tiêu thụ cao hơn nhiều so với mức tăng sản lượng. Đây cũng là tín hiệu tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam.