Phân tích của VEPR cho thấy, quý III năm 2021 nền kinh tế Việt Nam chịu sự tác động rõ nhất của địa dịch Covid – 19.
GDP đang có mức giảm sâu
Trước đó, Tổng cục Thống kê đã có báo cáo cho thấy GDP quý III giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm 2020 và đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi có thống kê GDP theo quý.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%.
Về sử dụng GDP quý III/2021, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%.
Tính chung GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước.
Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,17%, làm giảm 0,27 điểm phần trăm do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Ngành xây dựng giảm 0,58%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.
Tổng cục Thống kê còn nhận định, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.
Cụ thể ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.
Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.
Cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,03%; khu vực dịch vụ chiếm 40,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,99%.
Sử dụng GDP 9 tháng năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 4,27%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,21%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18,46%.
Những điểm sáng hy vọng
Theo đánh giá của VEPR, mặc dù bức tranh kinh tế quý III cũng như 9 tháng đầu năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid – 19 nhưng nhìn chung vẫn có những điểm sáng.
Đầu tiên là xuất khẩu vẫn tăng. Cụ thể, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 9 có giảm 2% so với tháng 8 tuy nhiên tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9 năm 2021 ước tính đạt 53,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 18,8% và nhập khẩu tăng 30,5%.
Ngoài ra, vẫn có những ngành thích ứng tốt hoặc được hưởng lợi từ các hoạt động liên quan tới phòng chống dịch bệnh, như ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, đạt 38,56%, cao nhất trong các ngành quý III năm 2021.
Thu hút FDI vẫn tốt và chỉ số lạm phát ổn định, phản ánh sự ổn định của kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
2 kịch bản dự báo tăng trưởng cho Việt Nam
Từ những phân tích của mình VEPR đã đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng cho Việt Nam từ nay tới cuối năm 2021.
Với kịch bản xấu, VEPR cho rằng, trong trường hợp dịch Covid – 19 tái bùng phát, tình trạng “đóng - mở” lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca lây nhiễm gây thiệt hại cho sản xuất và lưu thông hàng hóa dẫn đến tiến độ sản xuất, giải ngân đầu tư công chậm chạp. Tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động còn bất an. Chi phí tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp, đặc biệt là trong nông nghiệp...
Với kịch bản này VEPR đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 chỉ ở mức từ 1 - 1,5%.
Trong trường hợp vẫn diễn ra tình trạng phong tỏa như trong quý III năm 2021 thì có thể mức tăng trưởng trong năm 2021 của Việt Nam sẽ còn xấu hơn, thậm chí là tăng trưởng âm.
Với kịch bản tích cực, VEPR cho rằng nếu Nghị quyết 128 của Chính phủ được thực hiện tốt tại các địa phương, không còn tình trạng mỗi địa phương làm một cách, thậm chí là áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh cao hơn so với Nghị quyết 128 thì các hoạt động sản xuất, tiêu dùng sẽ hồi phục một cách chậm chạp nhưng chắc chắn.
Với kịch bản tích cực này VEPR cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 có thể ở khoảng 2 - 2,5%.