Dịch Covid – 19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, phức tạp
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Năm 2022 cũng được dự báo dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021, rủi ro tiếp tục gia tăng. Còn trong nước, mặ dù kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.
Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế. Rủi ro lạm phát gia tăng, thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Nói về các mục tiêu đặt ra cho năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sẽ là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Tiếp tục ưu tiên rà soát, hoàn thiện về thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật…
Về chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết có 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.
Theo đó các chỉ tiêu chính như tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 27 - 27,5%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1 - 1,5%; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 92%...
Đặc biệt là tốc độ tăng GDP đạt khoảng 6 - 6,5%; Tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; Bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%.
Linh hoạt trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế
Báo cáo với Quốc hội về nhiệm vụ, giải pháp điều hành nền kinh tế - xã hội trong năm 2022 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.
Các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với định hướng của Trung ương. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ, tăng tốc chiến dịch tiêm vaccines cho người dân…
Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, khả thi. Điều chỉnh linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Vừa hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, có cơ chế huy động thêm nguồn lực cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi. Huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước hợp lý cho các nhiệm vụ trọng tâm. Bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế và an toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng.
Cụ thể là sẽ tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh. Phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát. Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nhập siêu, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng phù hợp với các cam kết quốc tế.
Thực hiện hiệu quả các biện pháp tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu nợ thuế… Phấn đấu giảm lãi suất cho vay, giám sát chặt chẽ diễn biến nợ xấu, phòng ngừa rủi ro…
Thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển kinh tế số, xã hội số. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ và đẩy mạnh giải ngân vốn hiệu quả đầu tư công.