Thủ Tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhằm khắc phục những khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương vừa phải quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ.
Phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác trong chỉ đạo, điều hành. Tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức. Nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Quốc hội giao.
Hoàn thành 8 trong số 12 chỉ tiêu đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8 trong số 12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.
Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác. Bội chi NSNN trong phạm vi dự toán là dưới 4% GDP. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt khoảng 35% GDP.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 9 tháng đạt trên 240 tỷ USD, cả năm ước tăng khoảng 10,7%. Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố.
Năm 2021 nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự kiến có 4 trong số 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 3 - 3,5% so với mục tiêu khoảng 6%; GDP bình quân đầu người ước đạt 3.660 - 3.680 USD, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 3.700 USD; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt khoảng 32%, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 44 - 47%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm, thấp hơn so với mục tiêu 1 - 1,5 điểm phần trăm.
Ước thu ngân sách cả năm khoảng 1.365,5 nghìn tỷ đồng
Trong báo cáo của Thủ tướng Phạm Minh còn nêu rõ, do năm 2021 nền kinh tế gặp khó khăn do dịch Covid – 19 nên tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9/2021 chỉ đạt 7,84% so với cuối năm 2020.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm ước đạt 628 tỷ USD. Nợ công 43,7%GDP. Tiếp tục thặng dư cán cân thanh toán quốc tế, dự kiến năm 2021 khoảng 9 tỷ USD.
Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt 13,28 tỷ USD và dự kiến cả năm đạt khoảng 19 đến 20 tỷ USD.
Thu NSNN cả năm ước đạt khoảng 1.365,5 nghìn tỷ đồng, vượt khoảng 22,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán (khoảng 1,7%) và bằng 90,6% thực hiện năm 2020.
Báo cáo còn cho biết, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 đạt khoảng 2.919,1 nghìn tỷ đồng, trong đó tỷ trọng khu vực nhà nước là 25,5%, khu vực ngoài nhà nước là 58,6%, khu vực FDI là 15,9%.
Năm 2021 ngành nông nghiệp vẫn là trự đỡ tốt cho nền kinh tế, sản lượng lúa cả năm ước đạt khoảng 43,52 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2020. Sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 5,67 triệu tấn, tăng 5,3% và sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,6 triệu tấn, tăng 2,4% so với năm 2020.
Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống cả năm 2021 ước đạt khoảng 266,3 tỷ KWh, tăng 7,8% so với năm 2020 và điện thương phẩm đạt khoảng 232,3 tỷ KWh, tăng 6,6% so với năm 2020.
Đã miễn, giảm, giãn khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất
Thủ tướng Phạm Minh Chính còn cho biết, hiện đang thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền 38 nghìn tỷ đồng.
Chính phủ cũng đã báo cáo cấp có thẩm quyền đồng ý về chủ trương cho miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với tổng số tiền khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng và đang khẩn trương hoàn thiện để sớm được ban hành vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021.
Tính đến ngày 15/10/2021 đã thực hiện miễn, giảm, giãn khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Trong đó riêng việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất là khoảng 78,8 nghìn tỷ đồng.
Đã hỗ trợ gần 21,89 nghìn tỷ đồng cho 24,26 triệu lượt đối tượng và đã cho vay 566 tỷ đồng để trả lương cho trên 161 nghìn lượt người lao động.
Đến ngày 15/10/2021 Chính phủ cũng đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho gần 430 nghìn lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 111 nghìn người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng. Trong đó tổng số tiền đã chi trả là 999,5 tỷ đồng cho trên 425 nghìn người lao động.
Thực hiện xuất cấp tổng cộng trên 137 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,4 triệu hộ với trên 9,1 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đang tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện với khoảng 4.500 tỷ đồng, hỗ trợ tiền nước, dịch vụ viễn thông, internet với khoảng 10.000 tỷ đồng.
Về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng. Tính từ ngày 23/1/2020 đến ngày 15/10/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid - 19 là gần 27 nghìn tỷ đồng…