Dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư xuống còn 11.029 tỷ đồng và mối lương duyên của HHV

Bằng Anh | 10:40 08/03/2024

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa công bố điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng từ 11.180 tỷ xuống còn 11.029 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án giai đoạn phân kỳ từ năm 2023 đến năm 2026. Đến thời điểm này, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) đã chuẩn bị đủ vốn sẵn sàng triển khai dự án.

Dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư xuống còn 11.029 tỷ đồng và mối lương duyên của HHV
Phối cảnh nút giao trên cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Giảm 150 tỷ đồng tổng mức đầu tư, tiết kiệm chi phí cho nhà nước

Theo thông tin từ Markettimes, Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng chiều dài khoảng 59,87 km, bao gồm tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, chiều dài khoảng 43,43km; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, chiều dài khoảng 16,44km.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 11.179 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư có trách nhiệm huy động là 6.179 tỷ đồng, chiếm 55,27% tổng mức đầu tư.

Mới đây, sau khi rà soát lại dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký Quyết định số 427/QĐ – UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT. 

Tại quyết định này, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT đã được phê duyệt tại Quyết định số 2014/QĐ-UBND ngày 4/12/2023 và Quyết định số 103/QĐUBND ngày 17/1/2024.

Cụ thể, đối với Quyết định số 2014, UBND tỉnh Lạng Sơn điều chỉnh gạch đầu dòng thứ 3 khoản 12 Điều 1 như sau: “...- Tổ chức thực hiện: tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án dự kiến khoảng 640,28 ha (địa phận huyện Chi Lăng khoảng: 166,47 ha, địa phận huyện Cao Lộc khoảng: 297,55 ha; địa phận huyện Văn Lãng khoảng: 69,83 ha; địa phận TP. Lạng Sơn khoảng: 106,43 ha); diện tích đất theo ranh giới giải phóng mặt bằng của tuyến đường khoảng 564,47 ha, nhu cầu sử dụng đất dự kiến xây dựng các khu tái định cư cho dự án là khoảng 14,1 ha (các khu tái định cư theo đề xuất của địa phương phù hợp với nhu cầu thực tế), nhu cầu sử dụng đất dự kiến tạm thời cho các bãi đổ thải và mỏ vật liệu của dự án là khoảng 61,71 ha”.

Điều chỉnh khoản 3 Điều 2 như sau: “3. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, UBND các huyện: Cao Lộc, Văn Lãng, Chi Lăng và UBND TP. Lạng Sơn: tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (bao gồm cả công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư), bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án trên địa bàn quản lý theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đất đai, đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành”.

Bổ sung điểm d khoản 2 Điều 2 như sau: d) Quản lý, thanh quyết toán phần vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Đối với Quyết định số 103, UBND tỉnh Lạng Sơn điều chỉnh gạch đầu dòng thứ 2 điểm b khoản 4 Điều 1 như sau: “- Phương thức quản lý và sử dụng: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, UBND các huyện: Cao Lộc, Văn Lãng, Chi Lăng và UBND TP. Lạng Sơn: tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo đúng quy định hiện hành”.

Khoảng 1,5 tháng trước, tại Quyết định số 103, UBND tỉnh Lạng Sơn đã điều chỉnh khoản 3 Điều 1, Quyết định số 2014 về thời gian thực hiện dự án.

Cụ thể, thời gian thực hiện Dự án giai đoạn phân kỳ là từ năm 2023 đến năm 2026. UBND tỉnh Lạng Sơn cũng quyết định điều chỉnh khoản 6 Điều 1, Quyết định số 2014 về tổng mức đầu tư của Dự án, trong đó tổng mức đầu tư mới sẽ là 11.029 tỷ đồng, giảm 150 tỷ đồng so với phê duyệt trước đó.

cao-toc-lang-son-11-12.jpg
Tổng mức đầu tư mới cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ là 11.029 tỷ đồng, giảm 150 tỷ đồng so với phê duyệt trước đó

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng cũng tiến hành điều chỉnh khoản 7 Điều 1, Quyết định số 2014 về cơ cấu nguồn vốn.

Theo đó, vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp (gồm: vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn huy động khác) là khoảng 5.529 tỷ đồng (chiếm 50,13% tổng mức đầu tư dự án), trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 1.106 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp); vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác khoảng 4.423 tỷ đồng (chiếm 80% tổng vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp). Vốn nhà nước tham gia dự án PPP là 5.500 tỷ đồng (chiếm 49,87% tổng mức đầu tư), trong đó vốn ngân sách trung ương 3.500 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2.000 tỷ đồng.

Với cơ cấu nguồn vốn đầu tư nói trên, thời gian hoàn vốn cho Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là 25 năm 8 tháng thay vì 29 năm 6 tháng như quy định tại Quyết định số 2104.

HHV sẵn sàng thu xếp đủ vốn cho dự án

Ngược dòng lịch sử đầu tư của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (gọi tắt là Giao thông Đèo Cả -HHV) và mối lương duyên giữa cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng phải kể đến Dự án BOT  cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (64 km) kết hợp tăng cường Quốc lộ 1 (110 km) có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng. Đây là dự án được Tập đoàn Đèo Cả và HHV hoàn thành và đưa vào thu phí từ tháng 2/2020.

Thế nhưng, do thiếu sự kết nối đến cửa khẩu hữu nghị nên tuyến cao tốc trên trở thành "đường cụt", khiến các xe qua dự án rất thấp, do đó, phương án tài chính cho cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bị “vỡ trận”. Đồng nghĩa với việc món nợ giữa Đèo Cả và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) trở thành “cục máu đông” khó giải quyết trong 4 năm qua. 

Để tháo gỡ khó khăn cho dự án trên, việc “gắn mạch” thông suốt cho cao tốc này tới cửa khẩu Hữu Nghị bằng BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là hết sức cấp thiết và chắc chắc HHV sẽ là đơn vị sốt sắng nhất để thực hiện dự án.

duongcut.jpg
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bị lãng phí khi trở thành "đường cụt"

Vậy đến thời điểm này, tài chính thực hiện cho dự án ra sao? Theo tìm hiểu của Markettimes, hiện tại phía HHV và các nhà đầu tư trong liên danh đã chuẩn bị sẵn sàng 5.529 tỷ đồng vốn đối ứng, trong đó có khoảng 2.500 tỷ đồng từ Ngân hàng TPBank đã cam kết cho vay theo biên bản ngày 10/1/2024. Bên cạnh đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã “bật đèn xanh” phát hành 1.923 tỷ đồng trái phiếu cho Dự án để sớm triển khai ngay trong tháng 3/2024. Như vậy, vấn đề tài chính cho dự án đã sẵn sàng.

Theo Quyết định số 2014, Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP. Lạng Sơn với tổng chiều dài khoảng 59,87km, bao gồm tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, chiều dài khoảng 43,43km và tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, chiều dài khoảng 16,44km.

Trong đó, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài khoảng 43km được thiết kế với quy mô 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 32,25m; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài khoảng 17km được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 22m.

Trong giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ đầu tư xây dựng tuyến theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam được đầu tư xây dựng theo quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT là 11.029 tỷ đồng.

HHV và “cục máu đông” 1 tỷ USD khó trả

Xét về hoạt động kinh doanh, tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản Giao thông Đèo Cả đạt 36.775 tỉ đồng, tăng thêm 1.122 tỉ đồng sau 12 tháng. Với kết quả kinh doanh này, HHV đã hoàn thành 107% kế hoạch lợi nhuận công ty đã đặt ra hồi đầu năm. Kết thúc năm 2023, lợi nhuận sau thuế Đèo Cả đạt gần 362 tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2022. Tuy nhiên, trong bức tranh tài chính vẫn còn số nợ phải trả khá lớn.

Cụ thể, kết thúc ngày 31/12/2023, tổng nợ phải trả của Giao thông Đèo Cả (HHV) vượt 28.045 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD), tăng hơn 700 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, phần lớn là nợ vay tài chính khi lên đến 20.283 tỷ đồng.

Tại danh mục cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả Giao thông Đèo Cả còn 28.045 tỷ đồng (tương ứng hơn 1 tỷ USD), tăng hơn 700 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2023. Trong đó, phần lớn là nợ vay tài chính khi lên đến 20.283 tỷ đồng.

Chi tiết, Ngân hàng VietinBank đang là chủ nợ lớn nhất của Giao thông Đèo Cả với tổng cho vay ngắn hạn là 927 tỷ đồng và tổng cho vay dài hạn là 19.215 tỷ đồng.Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Đèo Cả, để trả nợ cho năm 2023, doanh nghiệp này đã phải chi 1.161 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng mạnh so với con số 828 tỷ đồng năm trước đó. Tương ứng, mỗi ngày, Đèo Cả đang phải dành hơn 3,1 tỷ đồng để trả chi phí lãi vay.

Đáng chú ý khác trong bức tranh tài chính Đèo Cả là tính đến ngày 31/12/2022, nợ ngắn hạn công ty này đạt 2.876 tỷ đồng, cao hơn 1.704 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn (1.172 tỷ đồng). Đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại Đèo Cả là 0,4.

Theo lý thuyết, khi hệ số này càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ không thể kiểm soát tài chính. Tuy nhiên, theo Ban lãnh đạo doanh nghiệp, việc vay nợ tăng là điều không thể tránh khỏi và HHV cùng Tập đoàn Đèo Cả đủ năng lực để chi trả các khoản vay. 

hop-tac-deo-ca-ky.jpg
Tập đoàn Đèo Cả và VietinBank có mối hợp tác toàn diện và ngân hàng này đang là chủ nợ lớn nhất của Đèo Cả

Để trấn an các cổ đông về món nợ khó trả 1 tỷ USD, HHV lý giải, các khoản vay của công ty là vay dài hạn để đầu tư BOT. Các dự án cũng đã đi vào vận hành khai thác, nguồn thu phí ổn định, phương án trả nợ cũng được thực hiện đảm bảo trên cơ sở doanh thu thực tế và không ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. 

Ngoài ra, theo quy định vốn chủ sở hữu tham gia các dự án công khoảng 10 - 15%, trong khi vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của công ty hiện là 24%. Các khoản nợ được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của cổ đông.

Để tìm kiếm dòng tiền triển khai các dự án, trước đây, Tập đoàn Đèo Cả từng cam kết phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất phát hành trái phiếu dự kiến khoảng 12% - 13%/năm được chi trả cho các tổ chức, cá nhân mua trái phiếu theo từng tháng hoặc từng quý.

Mức lãi suất trái phiếu dự kiến phát hành sẽ cao hơn mức lãi suất trong phương án tài chính dự án khoảng 1,5%/năm. Nhằm đảm bảo tính khả thi khi huy động vốn từ phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ điều chỉnh giảm tỷ suất lợi nhuận tại dự án và lấy một phần lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác để bù đắp cho phần lãi suất chênh lệch. Thế nhưng, trong những biến động mới nhất về tài chính, việc cam kết như ban đầu sẽ không dễ thực hiện đặc biệt là "cục máu đông" tới 1 tỷ USD sẽ là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư xuống còn 11.029 tỷ đồng và mối lương duyên của HHV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO