Dòng tiền sẽ đổ mạnh vào bất động sản

Phạm Minh | 23:22 22/03/2022

Khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng, nguồn tài chính đầu tư vào bất động sản được cho là phương án giúp bảo toàn dòng vốn trước rủi ro nên dự báo giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Dòng tiền sẽ đổ mạnh vào bất động sản
Trong 10 năm qua, bất động sản tăng gấp 3 lần.

Bất động sản luôn được đánh giá là một kênh trú ẩn giúp giảm thiểu rủi ro khi tỷ lệ lạm phát tăng cao. Hiện chỉ số lạm phát đang đứng trước áp lực gia tăng trong khi giá nhà vẫn luôn được dự báo tăng, chưa có dấu hiệu suy giảm.

Bất động sản trở thành kênh cư trú an toàn

Trước áp lực giá xăng dầu, kim loại quý tăng giá mạnh mẽ, nguy cơ dẫn đến lạm phát tăng cao, đã khiến nhiều người dân tiếp tục coi đầu tư bất động sản là kênh trữ tài sản an toàn.

Chị Đàm Thu Thuỷ (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, hồi sau Tết Nguyên đán, chị kiếm lời từ đầu tư chứng khoán, nay rút tiền ra mua bất động sản để tìm kiếm sự an toàn cho dòng tiền của mình.

Tương tự, chị Hoàng Minh Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) đầu tư mua một lô đất 2.000m2 có giá 9,5 tỷ đồng tại Minh Phú Sóc Sơn hồi tháng 11/2021, nay cũng có khách trả giá 12 tỷ đồng. Trước nguy cơ lạm phát tăng, chị cho biết sẽ mua thêm 2.000m2 ngay sát lô đất mua từ trước để giữ tiền.

Không chỉ chị Thuỷ, chị Trang mà khá nhiều người dân lo “bóng ma” lạm phát trong năm 2022 đã tìm kiếm đất nền, nhà liền kề/biệt thự để đầu tư.

Từ cuối năm 2021 đến nay, giá bất động sản tại vùng ven đô Hà Nội đã tăng 3-4%, cá biệt có dự án tại quận Tây Hồ tăng 5-6%.

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn vừa công bố, trong tháng 2/2022, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng ở hầu hết các loại hình so với tháng 1/2021. Trong đó, loại hình đất, đất nền chứng kiến cả mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán tăng ở nhiều địa phương.

Đơn cử như mức độ quan tâm đến bất động sản bán trong tháng 2/2022 tăng trung bình 23% so với tháng 1/2022, trong đó, tại Hà Nội tăng 22% và Thành phố Hồ Chí Minh tăng 29%.

Đáng chú ý, trong khi lượng tin đăng bán nhà riêng giảm 6%, bán biệt thự, liền kề giảm 9% thì ở chiều ngược lại, lượng tin đăng bán đất tăng 8%, bán đất nền tăng 6%.

Về nguồn cung, nhu cầu tìm kiếm, mua đất và đất nền: Dữ liệu cho biết, tăng tại hầu hết các tỉnh, trong đó Hà Nội có mức độ quan tâm loại hình đất tăng 8% và lượng tin đăng tăng nhẹ 1%; Thành phố Hồ Chí Minh có mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán đất lần lượt tăng 18% và 6%; Đà Nẵng có nhu cầu tìm kiếm và lượng tin đăng bán đất lần lượt tăng 32% và 25%...

Một số chuyên gia bất động sản nhìn nhận, lạm phát, biến động giá vàng đã khiến nhiều người tìm đến kênh đầu tư bất động sản vì đó là kênh cư trú an toàn. Điều này được minh chứng, dù qua 2 năm dịch bệnh nhưng giá bất động sản năm sau luôn cao hơn năm trước.

Thị trường khó giảm giá

Theo ông Trần Khánh Quang - Chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản trong thời gian qua có tăng có giảm, tuy nhiên bất động sản Việt Nam tăng nhiều hơn giảm. Chỉ trong 10 năm qua, bất động sản tăng gấp 3 lần, nếu mua bất động sản tại thời điểm này thì đến 10 năm sau lợi nhuận vẫn có thể đạt 50-100%.

“Không chỉ là nhà đầu tư dài hạn, nhà đầu tư ngắn hạn cũng nên lựa chọn cho mình bất động sản để dự trữ tài sản trong thời điểm lạm phát. Đầu tư bất động sản là kênh đầu tư mang tính tương đối an toàn do nhu cầu bất động sản lúc nào cũng gia tăng nên đây luôn là kênh được lựa chọn”, ông Quang nói.

Phân tích về mối tương quan giữa lạm phát và giá bất động sản, một phân tích của Savills World Research đã chỉ ra, nếu lạm phát xảy ra do tăng trưởng kinh tế (lạm phát cầu kéo) thì nhu cầu bất động sản sẽ được đẩy lên và giúp làm tăng giá trị của bất động sản.

Tuy nhiên, nếu lạm phát được hình thành bởi các chi phí như nguyên vật liệu, chi phí lao động tăng (lạm phát chi phí đẩy) sẽ dẫn đến hạn chế nguồn cung bất động sản.

Lạm phát do chi phí đẩy khó dự đoán vì thường là do các biến cố không lường trước được như về môi trường, địa chính trị…

Còn theo ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cao cấp Savills Việt Nam, trước những biến động như chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, có 3 kênh trú ẩn tài sản lớn là dầu mỏ, kim loại quý và bất động sản.

“Khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng do những bất ổn về chiến tranh, kinh tế - chính trị thế giới, nguồn tài chính đầu tư vào bất động sản được xem là một phương án giúp bảo toàn dòng vốn trước rủi ro. Điều này giúp họ bảo toàn giá trị tài sản, đồng thời tránh sự bất ổn định ở những kênh đầu tư khác”, ông Khương phân tích.

Đặc biệt, tại Việt Nam, trong thời gian qua, nguồn cung bất động sản nhà ở rất hạn chế. Người dân chủ yếu đầu tư đất nền còn các sản phẩm bất động sản nhà ở bao gồm đất và các tài sản trên đất chiếm tỷ lệ thấp hơn. Chính vì vậy, ông Sử Ngọc Khương nhận định, trong bối cảnh bất ổn kinh tế - chính trị thế giới, lạm phát tăng nhanh, nguồn cung khan hiếm, thị trường bất động sản bao gồm cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới. Đây được xem là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát.

Tuy nhiên, Giám đốc cấp cao của Savills cũng nhấn mạnh, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.

“Tôi cho trong 9 đến 12 tháng tới, việc một số các nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tính đầu cơ của nhóm này không lớn, khó có thể thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở tại Việt Nam trong thời gian tới còn rất hạn chế, chính vì vậy việc giảm giá bất động sản là rất khó xảy ra”, ông Sử Ngọc Khương nói thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dòng tiền sẽ đổ mạnh vào bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO