Doanh nghiệp vẫn “tắc” tiền sử dụng đất

Hải Sơn | 06:55 12/11/2024

Nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành dự án và bàn giao cho người dân phải đối mặt với chi phí tài chính “khổng lồ” khi UBND tỉnh, thành phố rà soát lại tiền sử dụng đất ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Doanh nghiệp vẫn “tắc” tiền sử dụng đất

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam, tiền sử dụng đất luôn là một trong các yếu tố “nặng gánh nhất” với các doanh nghiệp đầu tư, phát triển dự án bất động sản (BĐS).

Bởi, điều này không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp phải chuẩn bị một nguồn lực tài chính lớn để hoàn thành nghĩa vụ, mà ngay cả việc xác định nghĩa vụ này cũng tương đối phức tạp, mất rất nhiều thời gian. Thậmchí cả khi đã nộp tiền sử dụng đất rồi, vẫn có nhiều rủi ro, mà đôi khi doanh nghiệp không lường trước được.

Thời gian gần đây, bất cập trong cách tính tiền sử dụng đất làm hàng loạt các dự án bất động sản (BĐS) chậm trễ triển khai, khiến nhiều doanh nghiệp phát triển dự án lâm vào cảnh “làm cũng chết mà không làm cũng chết” do không đo lường trước được chi phí hay đối mặt với nguy cơ nợ nần sau khi triển khai dự án do tiền sử dụng đất “bỗng dưng” tăng vọt.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, vừa qua, thị trường địa ốc diễn biến tích cực, hàng loạt doanh nghiệp bắt đầu “rục rịch” cuộc đua thâu tóm quỹ đất, triển khai dự án,... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có dự án lại không thể triển khai do “tắc” tính tiền sử dụng đất. Thậm chí, không ít dự án đã hoàn thiện nhưng không thể triển khai bán hàng vì phải chờ hoàn tất nghĩa vụ tài chính liên quan đến tiền sử dụng đất. Nguyên nhân bởi các khó khăn trong khâu xác định giá đất.

Bên cạnh đó, việc phê duyệt giá đất kéo dài, có thể mất đến vài năm, thậm chí hàng chục năm, không chỉ gây ra tình trạng đình trệ, mà còn làm tăng chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, bởi trong thời gian chờ định giá, doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các chi phí lãi vay, chi phí cơ hội.

Quy trình kéo dài và giá trị tiền sử dụng đất không thể dự đoán chính xác cũng gây ra khó khăn cho doanh nghiệp trong việc dự báo và lập kế hoạch tài chính, khiến các doanh nghiệp đối mặt với rủi ro thiếu hụt tài chính hoặc không đủ khả năng chi trả nợ.

Đối với các dự án được áp dụng tính tạm tiền sử dụng đất trước đây, doanh nghiệp tiếp tục phải đứng trước thách thức rất lớn với khoản phải nộp bổ sung, dẫn đến nguy cơ thua lỗ.

Dẫn chứng, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, trong thời gian qua, không ít doanh nghiệp không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước do không lường trước được chi phí tiền sử dụng đất tăng cao. Nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành dự án và bàn giao cho người dân phải đối mặt với chi phí tài chính “khổng lồ” khi UBND tỉnh, thành phố rà soát lại tiền sử dụng đất. Trước đó, các dự án này được UBND tỉnh, thành phố sử dụng giải pháp tạm tính tiền sử dụng đất để doanh nghiệp có thể triển khai xây dựng dự án.

Một điều quan trọng nữa là bảng giá đất mới được xác định theo nguyên tắc thị trường sẽ làm tăng chi phí liên quan đến đất đai, trong đó có tiền sử dụng đất. Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thu xếp đủ nguồn lực tài chính để có thể hoàn thành nghĩa vụ.

Tiền sử dụng đất tăng cao chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu thành phần xây dựng giá thành BĐS. Để đảm bảo mức lợi nhuận kỳ vọng, doanh nghiệp sẽ xem xét đến việc điều chỉnh giá bán BĐS cao hơn. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, giá BĐS tại một số thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô Hà Nội đã liên tục thiết lập mặt bằng cao mới trong suốt thời gian qua. Nếu tiếp tục tăng, e rằng cơ hội tiếp cận nhà ở với phần đông người dân sẽ trở lên khó khăn. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về an sinh xã hội.

“Bất cập liên quan đến tiền sử dụng đất không chỉ làm lãng phí tài nguyên đất đai, gây thiệt hại về kinh tế cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả thị trường BĐS và nền kinh tế nói chung”, ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nghiệp vẫn “tắc” tiền sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO