Doanh nghiệp vẫn băn khoăn về chính sách hoàn thuế VAT, hóa đơn điện tử

PV (TH) | 10:06 25/11/2022

Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2022 vừa được tổ chức, đại diện doanh nghiệp đã đặt ra nhiều vấn đề về lĩnh vực thuế, hải quan.

Doanh nghiệp vẫn băn khoăn về chính sách hoàn thuế VAT, hóa đơn điện tử
Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2022.

Công ty TNHH Milestone (khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội) không may xảy ra hoả hoạn vào tháng 8/2022. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình xác minh giá trị thiệt hại. Đại diện công ty đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn thủ tục, thời hạn gửi hồ sơ xin miễn giảm thuế nhập khẩu với nguyên vật liệu sản xuất hàng xuất khẩu.

Ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, khoản 16 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đã sửa đổi nội dung về thời hạn để doanh nghiệp nộp hồ sơ xin miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu trong trường hợp xảy ra tổn thất, theo đó, đã xoá bỏ quy định 30 ngày và cũng không quy định thời hạn cụ thể.

Theo đó doanh nghiệp cần sớm hoàn thiện thủ tục, hồ sơ về cơ quan hải quan nơi doanh nghiệp đóng trụ sở sau khi đã có giám định về tổn thất để làm thủ tục giảm thuế này. Hồ sơ đề nghị giảm thuế đã được quy định rõ tại khoản 6 điều 1, gồm: công văn, hợp đồng bảo hiểm, thông báo trả tiền bồi thường, biên bản xác định thiệt hại của cơ quan chức năng, giấy chứng nhận giám định thiệt hại. Đề nghị doanh nghiệp căn cứ vào quy định để thực hiện.

Bà Vi Cẩm Tú, đại diện Công ty Dầu Thực vật miền Bắc (có trụ sở Nghi Sơn, Thanh Hoá, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, chế biến các loại dầu thực vật) đặt câu hỏi về biện pháp hậu kiểm và kiểm soát của cơ quan hải quan trước tình trạng các đơn vị thương mại nhập khẩu dầu cọ theo diện miễn thuế hàng sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng sau đó mặt hàng dầu cọ lại được đem bán lại cho các cơ sở đóng chai mà họ bán ra ngoài thị trường cho người tiêu dùng trong nước trong khi đó họ đã được hưởng miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào,

Ông Mai Xuân Thành ­- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay, về nguyên tắc, Chính phủ đã quy định rõ thẩm quyền và các trường hợp phải kiểm tra sau thông quan tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, trong đó có trường hợp kiểm tra theo kế hoạch, theo dấu hiệu, theo rủi ro.

Trên cơ sở đánh giá rủi ro và những thông tin liên quan, cơ quan hải quan sẽ quyết định đối tượng kiểm tra sau thông quan. Việc công ty nêu có những doanh nghiệp nhập khẩu về với mục đích ban đầu là làm thức ăn chăn nuôi và được miễn thuế nhưng sau đó không đưa nguyên liệu vào mục đích đó mà thay đổi mục đích sử dụng.

Theo quy định, doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế theo quy định. Doanh nghiệp không kê khai tức là doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận, trốn thuế. Cơ quan hải quan có trách nhiệm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng cũng phải có nghĩa vụ đấu tranh, ngăn ngừa, xử lý các hành vi buôn lận, gian lận thương mại, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Cơ quan hải quan sẵn sàng tiếp nhận thông tin liên quan đến những hành vi gian lận, buôn lậu để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Đại diện Công ty TNHH Luxshare Việt Nam đề nghị cơ quan quản lý hướng dẫn phương thức để tìm hiểu được các thuế nhập khẩu của các nước trên thế giới để phát triển các kênh bán hàng.

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành chia sẻ, Việt Nam đã tham gia 18 Hiệp định Thương mại tự do, tất cả các nội dung, biểu thuế đã được công bố công khai, các nước đều có trang về hải quan, cổng thông tin điện tử thương mại của các nước. Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các nội dung này. Về phía cơ quan hải quan cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, sẽ nghiên cứu để phối hợp với cơ quan hải quan các nước cung cấp các đường link cho doanh nghiệp tham khảo, sử dụng.

Đại diện Ngân hàng TMCP Vietcombank đặt câu hỏi về thuế giá trị gia tăng với nghiệp vụ L/C.

Ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, hiện nay qua quá trình rà soát, phối hợp giữa Tổng cục Thuế và các đơn vị thuộc Bộ, Bộ Tài chính đã có Tờ trình trình Chính phủ báo cáo. Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước giải đáp vướng mắc của Vietcombank và các ngân hàng.

Đại diện Công ty Honda Việt Nam nói về hóa đơn điện tử. Theo đó, mỗi tháng, doanh nghiệp có khoảng 150.000 hóa đơn. Các hóa đơn này liên quan nhiều hệ thống khác của công ty như quản trị sản xuất, đại lý, mua hàng. Khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 có hiệu lực, thuế GTGT được giảm từ 10% xuống 8%, doanh nghiệp chưa thể điều chỉnh ngay. Hiện tại, doanh nghiệp có khoảng 260.000 hóa đơn chưa được điều chỉnh theo mức thuế mới, đề nghị Tổng cục Thuế có hỗ trợ.

Ông Vũ Chí Hùng cho biết, Nghị định 15 về giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% của Chính phủ là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp trong thời gian đầu thực hiện Nghị định này cũng có vướng mắc tương tự, như điều chỉnh thuế giá trị gia tăng với mặt hàng nào; ảnh hưởng đến kê khai doanh thu, chi phí. Công ty đưa ra 2 phương án, căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP về xử lý hóa đơn sai sót quy định rõ là doanh nghiệp tự điều chỉnh, kê khai.

Về đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh đối với 260 ngàn hoá đơn chưa được điều chỉnh, ông Vũ Chí Hùng yêu cầu Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) phối hợp với Cục Thuế Vĩnh Phúc phối hợp với công ty để có giải pháp kịp thời xử lý dứt điểm.

Ông Đỗ Phương Nam - Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho rằng, thời gian qua, cơ quan thuế đã thực hiện chuyển đổi số, hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn cơ quan thuế nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ để doanh nghiệp có thể chủ động truy cập, xác định xem hoá đơn của doanh nghiệp có đảm bảo quy định không, có vi phạm về nghĩa vụ với nhà nước không.

Cũng theo ông Đỗ Phương Nam, hiện tại doanh nghiệp vẫn đang phải truy cập vào website của Tổng cục Thuế để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, việc truy cập này nhiều khi không kịp thời, có khi bị nghẽn, trong khi đó, số lượng hoá đơn của doanh nghiệp rất lớn, nếu sai sót một vài hoá đơn cũng có thể ảnh hưởng đến xếp loại doanh nghiệp. Ngoài ra, vấn đề kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp cho người lao động cũng đang gặp khó khăn. Hiện tại, doanh nghiệp có hơn 2000 lao động, doanh nghiệp vẫn thực hiện kê khai thay thuế thu nhập cá nhân theo uỷ quyền, nhiều lao động có thu nhập từ hai nơi trở lên nhưng không khai báo đầy đủ với doanh nghiệp, nhân lực của công ty có hạn, không thể xác minh hết được nội dung này, khi cơ quan thuế kiểm tra phát hiện ra sai sót và doanh nghiệp bị phạt. Do đó, doanh nghiệp đề nghị cơ quan thuế nghiên cứu về nội dung này để có quy định phù hợp…..

Trả lời kiến nghị về xây dựng công cụ để doanh nghiệp có thể truy xuất nguồn gốc hoá đơn, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế đã triển khai hiện đại hoá trong đó có triển khai hoá đơn điện tử trên toàn quốc. Thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, nâng cấp liên tục hệ thống, đảm bảo xu thế phát triển của doanh nghiệp và thực tế.

Về vấn đề khai thay thuế thu nhập cá nhân, ông Vũ Chí Hùng cho biết đã được quy định rõ tại Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế. Chia sẻ với doanh nghiệp khi phải quản lý lượng nhân công lớn song đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh, về nguyên tắc, khi cá nhân đã uỷ quyền cho doanh nghiệp kê khai hộ thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm rà soát nội dung này, đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, ông Phạm Văn Thành - Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng: việc Tổng cục Thuế đưa ngành dăm gỗ vào ngành có rủi ro cao trong hoàn thuế khiến doanh nghiệp gặp khó. Gần đây, cơ quan thuế truy xuất nguồn gốc đến tận người trồng rừng, dẫn đến hiện tại khâu xác minh truy xuất nguồn gốc khó khăn, kéo dài. Hiện tại có doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế từ cuối 2021 đến nay chưa được giải quyết. Doanh nghiệp kiến nghị cơ quan thuế cho hoàn thuế trước, kiểm tra sau vì doanh nghiệp xuất khẩu là doanh nghiệp rất lâu năm, cuối chuỗi cung ứng, khách hàng ổn định, xuất khẩu chính ngạch, có tờ khai, có cơ quan giám định là cơ quan thứ ba khi xuất khẩu, hàng hoá xuất khẩu là thực. Khi kiểm tra sau, ai sai đến đâu xử nặng đến đó. Thứ hai, doanh nghiệp cũng kiến nghị thay đổi cách hành thu thuế GTGT.

“Chúng tôi nộp thẳng thuế vào ngân sách nhà nước, sau khi chúng tôi xuất khẩu hàng đi, cơ quan thuế chỉ cần nhấp chuột là biết chúng tôi đã nộp thuế hay chưa để được hoàn thuế” - ông Phạm Văn Thành nêu ý kiến.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, tinh bột sắn nói riêng và mặt hàng nông lâm sản nói chung là các mặt hàng được nhà nước quan tâm. Có nhiều khâu để ra được tinh bột sắn để xuất khẩu. Các khâu trực tiếp từ nông dân đến nhà máy đều được hưởng thuế suất 0%. Qua công tác chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng hằng năm, định kỳ, cơ quan thuế đã phát hiện nhiều vụ việc gian lận hoàn thuế, mới đây nhất là tại Phú Thọ. Các Cục Thuế đã có văn bản xin xác minh các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp có giao dịch với doanh nghiệp Việt Nam. Qua xác minh, cơ quan quản lý các doanh nghiệp nước ngoài đã có trả lời là không có giao dịch với doanh nghiệp trong nước. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã có công văn gửi các Cục Thuế trong đó nêu rõ những doanh nghiệp mà cơ quan thuế nước ngoài trả lời rõ không có giao dịch với doanh nghiệp Việt Nam thì đề nghị các Cục Thuế rà soát, phân tích, đánh giá rủi ro để cảnh báo cho doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Chí Hùng: “Câu chuyện ở đây là cơ quan thuế rà soát để cảnh báo cho doanh nghiệp Việt Nam chứ không chỉ là câu chuyện đúng hay sai. Vì cơ quan thuế không có chức năng kiểm tra ban đầu nên không thể xác định được bên B thế nào, hàng hóa ở đâu, F1, F2, F3, F4 thế nào, chúng tôi phải nhờ cơ quan điều tra xác định giúp. Nếu đúng, chúng tôi chỉ đạo các Cục Thuế hoàn thuế cho doanh nghiệp đủ điều kiện theo đúng quy định. Không có chuyện chỉ đạo không hoàn thuế”.

“Sau Hội nghị này, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục trao đổi trực tiếp với các Cục Thuế mà có các doanh nghiệp đang có vướng mắc về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng để có giải pháp hoàn nhanh nhất theo đúng quy định của pháp luật.”- Ông Vũ Chí Hùng khẳng định.

Thông tin thêm về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, hàng hóa nông lâm thủy sản chưa qua chế biến mà trực tiếp do người nông dân bán ra là không chịu thuế GTGT. Bán tại các khâu thương mại cũng không chị thuế; chỉ khi chế biến bán trong nước chịu thuế 5%, 10% tùy theo mức độ chế biến tinh sâu. Xuất khẩu qua hải quan cũng không chịu thuế, nếu đủ điều kiện được áp thuế 0% và được hoàn phần đã nộp thuế ở khâu đã chế biến (thực tế cũng có rất ít doanh nghiệp trực tiếp chế biến mà đều qua thu mua lại và qua rất nhiều khâu nên việc xác minh nguồn gốc xuất xứ để áp dụng hoàn thuế GTGT rất khó khăn).

“Trên 90% doanh nghiệp được hoàn thuế bình thường. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là 1 doanh nghiệp khó khăn chúng tôi cũng vẫn phải có trách nhiệm. Nhưng chúng ta phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, không ai được phép làm sai. Cơ quan thuế chia sẻ với doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng cần hợp tác với cơ quan thuế để đấu tranh với các doanh nghiệp cố tình gian lận thuế...”- Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nghiệp vẫn băn khoăn về chính sách hoàn thuế VAT, hóa đơn điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO