Doanh nghiệp Trung Quốc nảy ra chiêu né thuế quan khiến Mỹ gần như ‘bó tay’

Y Vân | 09:45 07/05/2025

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm mọi cách nhằm giảm tác động của thuế quan đối với hoạt động xuất khẩu sang Mỹ.

Doanh nghiệp Trung Quốc nảy ra chiêu né thuế quan khiến Mỹ gần như ‘bó tay’

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm cách né thuế quan của ông Trump bằng cách cố tình khai thấp giá trị hàng hóa xuất sang Mỹ, tờ Financial Times đưa tin.

Theo đó, nhiều nhà cung cấp hóa chất và bao bì tại Trung Quốc đã chào mời doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ sử dụng hình thức giao hàng DDP (giao hàng đã nộp thuế), cho phép bên xuất khẩu chi trả toàn bộ thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, các nhà cung cấp cho biết họ sẽ kê khai sai giá trị hoặc thay đổi mô tả hàng hóa nhằm giảm tiền thuế phải nộp.

“Chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều nhà máy Trung Quốc đề nghị thanh toán thuế hải quan thay cho đối tác Mỹ, rồi bán hàng tại Mỹ với giá thấp hơn nhiều so với mức thuế đáng ra phải chịu”, Ryan Petersen, CEO nền tảng logistics Flexport, cho biết.

Biện pháp này làm suy yếu nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong việc khuyến khích doanh nghiệp Mỹ sử dụng hàng nội địa, đồng thời có thể tạm thời kìm hãm đà tăng giá hàng tiêu dùng.

“Đây rõ ràng là hành vi lách thuế”, luật sư Dan Harris – chuyên tư vấn doanh nghiệp nhập hàng từ Trung Quốc – nhận định. Ông cho biết tuy các công tố viên Mỹ có thể xử lý doanh nghiệp trong nước tiếp tay cho hành vi này, nhưng gần như không thể truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với đối tác Trung Quốc.

Ông Aaron Rubin, chủ sở hữu công ty logistics ShipHero và hãng phân phối thiết bị võ thuật 93 Brand, cho biết nhiều đối tác Trung Quốc đã đề nghị “chi trả toàn bộ thuế nhập khẩu” khi giao hàng bằng hình thức DDP, giúp ông không phải nhận bất kỳ hóa đơn thuế nào.

Rubin đã báo cáo sự việc lên Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) nhưng lo ngại đối thủ cạnh tranh chấp nhận các đề nghị như vậy. “Tôi không thể duy trì hoạt động thương mại điện tử nếu phải chịu mức thuế 175% trong khi đối thủ thì không. Người tiêu dùng sẽ không mua hàng của tôi khi giá cao hơn”, ông nói.

Chủ một doanh nghiệp thực phẩm tại California tiết lộ một nhà cung cấp Trung Quốc từng đề nghị chỉnh sửa chi phí trên hóa đơn để giúp công ty né thuế.

Một số nhà cung cấp Trung Quốc còn đề nghị đăng ký làm “nhà nhập khẩu chính thức” tại Mỹ để đứng tên chịu trách nhiệm về thuế. Quy định của Mỹ  cho phép các công ty nước ngoài không hiện diện tại Mỹ chỉ cần ký quỹ nhỏ để thực hiện việc này, nên việc xử phạt trở nên khó khả thi.

Theo một báo cáo năm 2008 của chính phủ Mỹ, Bộ Tư pháp hiếm khi truy tố các trường hợp gian lận của công ty nhập khẩu nước ngoài do khả năng đòi bồi thường tại tòa án nước ngoài rất thấp.

Bà Callie Milford, chủ doanh nghiệp mỹ phẩm No Tox Life tại Texas, cũng xác nhận được nhiều nhà cung cấp đề nghị “khai thấp giá trị hàng” để giảm thuế. Sau khi thuế mới có hiệu lực, phần lớn đối tác đều khẳng định giá nhập không đổi vì “sẽ dùng phương thức DDP và khai báo thấp giá trị hàng”.

Trong tuyên bố mới đây, CBP cho biết cơ quan này đang kết hợp các biện pháp pháp lý, công nghệ và quy trình nghiệp vụ để thực thi chính sách thuế, đồng thời nhấn mạnh rằng các hành vi gian lận sẽ bị xử lý bằng mức phạt nghiêm khắc nhất theo luật định.

Trước đó, Nikkei Asia đưa tin nhiều công ty logistics Trung Quốc đã lập công ty “ma” để lách thuế. FT cũng đưa tin về việc Trung Quốc xuất khẩu hàng qua nước thứ ba nhằm né thuế của Mỹ.

Tham khảo: FT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nghiệp Trung Quốc nảy ra chiêu né thuế quan khiến Mỹ gần như ‘bó tay’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO