Doanh nghiệp sản xuất Mỹ ‘kẻ khóc người cười’ trước thuế quan của ông Trump

Y Vân | 08:03 06/05/2025

Thuế nhập khẩu đang tạo động lực cho một số nhà máy của Mỹ.

Doanh nghiệp sản xuất Mỹ ‘kẻ khóc người cười’ trước thuế quan của ông Trump

Một số công ty sản xuất vừa và nhỏ của Mỹ đang ghi nhận ​​đơn hàng tăng từ các doanh nghiệp muốn tránh phải chịu thuế nhập khẩu mới. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng chính sách thuế quan có thể mang lại động lực dài hạn cho ngành sản xuất nội địa.

Mặc dù các mức thuế của ông Trump gây gián đoạn thương mại toàn cầu và ảnh hưởng kinh tế Mỹ, nhưng một số doanh nghiệp cho biết quy định mới đang giúp sản phẩm của họ cạnh tranh về giá so với hàng nhập khẩu sau nhiều năm.

“Chúng tôi đang quá tải. Nhà máy ở Chicago và Cleveland đều hoạt động 24/7”, ông Jack Schron, Chủ tịch công ty sản xuất dụng cụ nông nghiệp Jergens Inc cho biết. Ông nói nhu cầu tăng đến từ 2 nguồn chính: khách hàng muốn tránh thuế nhập khẩu và đơn hàng từ ngành quốc phòng tăng mạnh trong 18 tháng qua.

Tại Ohio, ông Donny Chaplin – Chủ tịch Grand River Rubber & Plastics – cho biết công ty ông đang nhận nhiều đơn hàng và yêu cầu báo giá hơn. Hai khách hàng cũ từng chuyển sang nhà cung cấp Trung Quốc đã quay lại đặt mua gioăng cao su từ Grand River. Ba nhà sản xuất lọc dầu cũng tiếp cận công ty để chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, trong đó hai đơn hàng đã được chốt.

Nếu các đơn hàng mới được hoàn tất, doanh thu có thể tăng thêm khoảng 5 triệu USD mỗi năm, tương đương 10% tổng doanh thu hiện tại. Điều này buộc Chaplin phải tuyển thêm lao động, mở rộng dây chuyền sản xuất và ký hợp đồng dài hạn với khách hàng để đảm bảo ổn định trong trường hợp thuế quan bị dỡ bỏ.

Tuy nhiên, các công ty như Grand River cũng đối mặt với chi phí sản xuất tăng do phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc – vốn đang chịu thuế 145%. Grand River nhập kính bảo hộ, dụng cụ máy móc, nút tai và một lượng nhỏ cao su từ các nước chịu thuế 10%. Chaplin cho biết công ty có thể hấp thụ một phần chi phí tăng nhưng vẫn phải điều chỉnh giá bán.

us(1).jpg

Các công ty từng nổi lên trong đại dịch nhờ sản xuất khẩu trang, găng tay cao su và thiết bị bảo hộ cá nhân hiện cũng đang được hồi sinh nhờ chính sách thuế quan. Khi đại dịch kết thúc, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn vì các bệnh viện “quay lưng” với các nhà sản xuất Mỹ và nối lại nhập khẩu từ các hãng Trung Quốc vì chi phí rẻ hơn.

Alan Rust, giám đốc chiến lược của SafeSource Direct (Louisiana), cho biết giá găng tay cao su từ Trung Quốc đã tăng gấp đôi và các khách hàng đang phải tìm nguồn cung thay thế.

SafeSource đã tái khởi động 2 dây chuyền sản xuất, nâng tổng số dây chuyền lên 8, sản xuất khoảng 22.000 chiếc găng tay mỗi giờ, tương đương gần 118 triệu chiếc mỗi tháng. Sản lượng cao hơn giúp công ty giảm chi phí, đưa giá bán tiệm cận giá của các đối thủ châu Á. Tuy nhiên, SafeSource hiện cũng phải trả thuế 10% cho hóa chất cao su nhập khẩu từ Brazil và Ý.

Tại Massachusetts, lao động tại công ty AccuRounds đang tăng ca để đáp ứng nhu cầu tăng đối với trục, van và linh kiện thép. CEO Michael Tamasi cho biết hai khách hàng từng chuyển đơn hàng sang Singapore và Trung Quốc nay đã quay lại. Doanh thu quý 1/2025 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn cũng kỳ vọng được hưởng lợi. Whirlpool, hãng sản xuất thiết bị gia dụng tại Michigan, cho biết đối thủ châu Á đã được hưởng lợi thế không công bằng kể từ khi mức thuế dưới nhiệm kỳ đầu của ông Trump hết hiệu lực năm 2023. Nhờ sản xuất tại châu Á, các đối thủ này có lợi thế chi phí khoảng 150 USD/chiếc máy giặt so với Whirlpool. Công ty này lắp ráp 80% hàng gia dụng Mỹ tại các nhà máy trong nước.

CEO Marc Bitzer nói rằng thuế mới đối với thiết bị gia dụng nhập khẩu lắp ráp hoàn chỉnh sẽ giúp thu hẹp chênh lệch giá. Whirlpool dự kiến chi phí tăng thêm 2,4% trong năm nay – tương đương 400 triệu USD – và sẽ bù đắp bằng cách cắt giảm chi phí và tăng giá bán.

Các trường hợp trên là tín hiệu tích cực cho những người ủng hộ thuế quan – những người tin rằng chính sách này sẽ hồi sinh ngành sản xuất Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ một số ít tập đoàn công bố kế hoạch xây dựng nhà máy mới hoặc chuyển hoạt động về Mỹ và các khảo sát toàn ngành vẫn cho thấy triển vọng không mấy lạc quan. Khảo sát tháng 4 của Cục Dự trữ Liên bang khu vực Texas cho thấy lo ngại về thuế quan làm giảm kỳ vọng kinh doanh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu có cái nhìn kém tích cực hơn.

Tại Husco International, nhà sản xuất linh kiện xe hơi và thiết bị nông nghiệp gần Milwaukee, CEO Austin Ramirez cho biết công ty đã giảm phụ thuộc một nửa vào vật tư từ Trung Quốc trong thập kỷ qua nhằm ứng phó với thuế quan từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Tuy nhiên, xét theo giá trị nhập khẩu, 20% đầu vào vẫn đến từ Trung Quốc.

“Chúng tôi không thể dừng nhập khẩu. Đây là những thành phần quan trọng để sản xuất hàng hóa”, Ramirez nói. “Chúng tôi phải tiếp tục nhập khẩu và tôi phải trả thêm chi phí thuế quan bằng cách tăng giá”.

Tham khảo: WSJ


(0) Bình luận
Doanh nghiệp sản xuất Mỹ ‘kẻ khóc người cười’ trước thuế quan của ông Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO