Sau một tuần Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động, thiết lập mặt bằng mới. Đặc biệt, lãi suất tiền gửi đã vượt mốc 8%/năm ở nhiều ngân hàng cổ phần, không phân biệt quy mô.
Theo đó, lãi suất tại ngân hàng số Cake by VPBank cao nhất đã lên tới 8,2%/năm cho kỳ hạn 36 tháng đối với các khoản tiền gửi có giá trị trên 300 triệu đồng từ ngày 27/9. Với kỳ hạn 12 tháng, đơn vị này niêm yết lãi suất cố định 7,7%/năm và lãi suất bậc thang 8%/năm đối với số tiền gửi trên 300 triệu đồng.
Từ ngày 26/9, DongA Bank thông báo lãi suất huy động cao nhất lên đến 7,6%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng. Với số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên, biên độ cộng thêm lên tới 0,5%/năm, tổng mức lãi suất lên tới 8,1%/năm.
VietA Bank công bố lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng lên tới 7,8%/năm. Tại CBBank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên ở ngưỡng 7,5%/năm. VietCapital Bank cũng áp dụng lãi suất 7,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng nhưng kèm điều kiện mức tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên….
Các ngân hàng tư nhân có quy mô tài sản thuộc nhóm giữa như Sacombank, SHB, HDBank, VIB lãi suất huy động cao nhất cũng đã chạm mốc hoặc thậm chí vượt 7%/năm ở các kỳ hạn dài với một số điều kiện.
Trong nhóm ngân hàng tư nhân top đầu như ACB, Techcombank, lãi suất cao nhất ở mức 6,5-6,9%/năm. Đặc biệt, VPBank công bố mức lãi suất cao nhất lên tới 7,7%/năm đối với các khoản tiền gửi theo hình thức trực tuyến có giá trị trên 50 tỷ đồng.
Trong khi đó, 4 ngân hàng có vốn Nhà nước Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank cũng đã công bố mức lãi suất huy động mới, bình quân 6,4%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Trong khi người gửi tiền được hưởng lợi vì lãi suất tiền gửi tăng, thì nhiều doanh nghiệp đang lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo.
Bà Hoàng Thị Thuý, Giám đốc Công ty gạch chịu lửa Hải Dương chia sẻ, giá nguyên liệu đầu vào từ hơn 1 năm nay tăng chóng mặt, sản xuất kinh doanh đình trệ do Covid-19, sắp tới khoản vay 10 tỷ đồng của công ty sẽ phải đáo hạn. Nhưng ngay khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động nhân viên ngân hàng thông báo kỳ vay tới sẽ tăng lãi suất huy động thêm 1% so với hiện tại.
Đối diện với việc tăng lãi suất, Giám đốc Công ty cổ phần may mặc Hưng Yên lo lắng sẽ tác động vào giá thành sản phẩm làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Lãi suất cho vay tăng sẽ cộng vào chi phí sản xuất, khiến đầu ra sản phẩm phải tăng giá. Vừa qua, giá sản phẩm của doanh nghiệp được điều chỉnh tăng, song cũng mang lại rắc rối khi mất một số khách hàng. Hiện, việcxuất khẩu gặp khó khăn do giá cao. Ngay cả trong nước, chưa nói đến xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng cũng giảm, nên công ty rất khó cơ cấu lại, điều tôi lo nhất là doanh nghiệp sẽ thua lỗ”, vị Giámđốc này chia sẻ.
Theo chuyên gia, sắp tới các doanh nghiệp có thể phải chịu thêm lãi suất vay vốn kỳ hạn 3 tháng lên tới 9%/năm, 6 tháng lên tới 10%/năm. Điều này lo ngại sẽ gây khó khăn kép, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn. Điều này đã được các ngân hàng thực hiện rất tốt trong 2 năm qua với số tiền giảm lãi là 25.000 tỷ đồng.
Ổn định lãi suất cho vay là mong muốn của doanh nghiệp, cũng như của Chính phủ. Giữ ổn định lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động tăng là bài toán khó của ngành ngân hàng. Song, mục tiêu này không phải không thực hiện được.
Thứ nhất, gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng mới giải ngân chưa đáng kể và dư địa còn nhiều. Thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất sẽ làm trung hòa tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất cho vay.
Thứ hai, NHNN vẫn còn nhiều công cụ để khuyến khích ngân hàng thương mại giữ mặt bằng lãi suất cho vay, như công cụ room tín dụng. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định - nếu giữ được - cũng chỉ áp dụng với các lĩnh vực ưu tiên. Với các lĩnh vực khác, đặc biệt lĩnh vực rủi ro, lãi suất cho vay tăng là khó tránh. Đây là điều doanh nghiệp và cả nền kinh tế phải chấp nhận trong bối cảnh lạm phát và lãi suất toàn cầu tăng chóng mặt.
Tại một cuộc họp của Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các ngân hàng giữ ổn định lãi suất cho vay, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất.
Ngoài ra, trong cuộc họp mới đây, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết dù không điều hành lãi vay vì đó là thỏa thuận giữa ngân hàng và người vay nhưng sẽ vận động các nhà băng giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.